Rong kinh là gì? Nguyên nhân và cách điều trị [Cập Nhật]
Rong kinh là hiện tượng kinh nguyệt rối loạn ở phụ nữ. Nhưng chị em không nên xem nhẹ tình trạng này bởi nó có thể là dấu hiệu của bệnh phụ khoa nguy hiểm. Do đó, ngay khi nhận thấy các biểu hiện bất thường, bạn nên đi thăm khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra sức khỏe.
Rong kinh là gì? Phân biệt rong kinh, rong huyết
Rong kinh (tiếng anh là menorrhagia) là một hiện tượng liên quan đến sinh lý nữ. Nguy hiểm hơn, đây còn có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh phụ khoa. Vậy rong kinh là triệu chứng bệnh gì?
Rong kinh là như thế nào?
Chu kỳ hành kinh của nữ kéo dài khoảng 28 – 32 ngày. Khoảng thời gian hành kinh của mỗi người đều có sự khác biệt, chủ yếu rơi vào 3 – 5 ngày trong 1 tháng. Khi đó, cơ thể sẽ mất một lượng máu khoảng 50 – 80ml. Đặc điểm của máu kinh là có màu đỏ sẫm, lẫn chất vụn của tế bào niêm mạc và vi khuẩn có sẵn trong vùng kín.
Tình trạng rong kinh xuất hiện theo chu kỳ hành kinh nhưng thời gian kéo dài hơn. Người bị rong kinh sẽ trải qua thời kỳ hành kinh mỗi tháng từ 1 tuần đến 15 ngày. Lúc này, một chu kỳ kinh khiến lượng máu trong cơ thể vượt quá 80ml.
Tình trạng rong kinh khiến phái nữ gặp phải nhiều vấn đề trong đời sống. Chẳng hạn như cần thay băng vệ sinh thường xuyên, cảm thấy dính dáng, ẩm ướt.
Ban đêm, máu kinh ra nhiều, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài làm chị em thở dốc, mệt mỏi, gặp phải tình trạng thiếu máu. Hiện tượng rong kinh bao gồm hai loại:
- Rong kinh sinh lý: Phổ biến ở phái nữ trong độ tuổi dậy thì, tuổi sinh sản bị rối loạn nội tiết tố.
- Rong kinh bệnh lý: Chu kỳ hành kinh kéo dài trong thời gian dài liên quan đến sự tổn thương tại tử cung, cổ tử cung, buồng trứng.
Rong kinh và rong huyết khác nhau như thế nào?
Hiện nay, không ít người cho rằng rong huyết và rong kinh là một. Tuy nhiên, dù cùng là tình trạng ra máu nhưng đây lại là hai thể khác nhau. Bạn cần phân biệt chính xác hai hiện tượng này:
- Rong huyết: Xuất huyết âm đạo không đúng thời kỳ hành kinh. Nó xảy ra khi quan hệ tình dục mạnh khiến âm đạo bị tổn thương. Hoặc một số chị em mắc bệnh u nang buồng trứng, u xơ tử cung,… cũng có nguy cơ gặp phải.
- Rong kinh: Tình trạng này có liên quan mật thiết đến chu kỳ kinh nguyệt. Nguyên nhân gây ra thường do sự rối loạn hàm lượng estrogen bên trong cơ thể.
Triệu chứng rong kinh như thế nào?
Để phát hiện mình có bị rong kinh không không hề khó. Nếu bạn thực sự quan tâm đến cơ quan sinh sản thì sẽ phát hiện bệnh thông qua các biểu hiện như:
- Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn 1 tuần và không đều nhau
- Xuất huyết âm đạo quá nhiều và đột ngột, điều này khiến chị em phải liên tục thay băng vệ sinh, gây khó chịu và bất tiện trong cuộc sống
- Máu kinh có đặc điểm lạ, màu bất thường như đỏ bầm hoặc đen tím, mùi hôi và tanh
- Nguyệt san vón thành từng cục máu đông lớn, đôi lúc nó còn dính nhầy và đặc quánh
- Đau bụng dưới, cơn đau gia tăng nghiêm trọng, tức ngực, khó thở, chân tay nhức mỏi
- Khi cơ thể mất máu quá nhiều, chị em sẽ cảm thấy choáng váng, đau đầu, chóng mặt,…
Chưa tính đến vấn đề về sức khỏe, chỉ riêng tình trạng ẩm ướt, nhầy dính cũng khiến chị em cảm thấy khó chịu. Đó là lý do, phái nữ nên tìm đến các bệnh viện, phòng khám để ngăn chặn rong kinh và sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Nguyên nhân rong kinh nguyệt
Nguyên nhân gây ra tình trạng rong kinh ở phái nữ khá đa dạng nhưng chung quy lại vẫn là các vấn đề sau:
- Nội tiết tố rối loạn
Khi chu kỳ kinh nguyệt bình thường, sự cân bằng giữa nội tiết tố estrogen và progesterone sẽ ảnh hưởng đến độ dày của nội mạc tử cung.
Khi đó, máu kinh được hình thành từ việc bong lớp niêm mạc mỗi tháng. Nhưng nội tiết tố mất cân bằng khiến nội mạc tử cung phát triển mạnh hơn so với bình thường, máu kinh chảy nhiều trong thời gian dài.
- U xơ tử cung
Kinh nguyệt diễn ra trong thời gian dài có thể là bởi sự ảnh hưởng của khối u xơ tử cung bên dưới lớp niêm mạc. Đây không phải bệnh hiếm gặp vì có nhiều chị em đã gặp phải tình trạng này, nhất là ở chị em đang trong độ tuổi sinh nở.
Đa phần đây đều là các khố u lành tính, nhưng khi không được điều trị kịp thời nó sẽ biến chứng thành ác tính, gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
- Lạm dụng dụng cụ tử cung
Chị em thường xuyên sử dụng dụng cụ tử cung có thể gặp phải các tác dụng phụ. Chính yếu tố này đã gia tăng nguy cơ bị rong kinh ở phái nữ. Để sử dụng các thiết bị này một cách an toàn, chị em nên tham khảo hướng dẫn của chuyên gia.
- Lạc nội mạc tử cung
Nội mạc tử cung xâm nhập vào sâu bên trong cơ tử cung. Hoạt động này khiến chị em bị đau bụng nặng và chảy nhiều máu trong quá trình hành kinh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm chị em kéo dài tình trạng rong kinh.
- Rối loạn chức năng buồng trứng
Một số người gặp phải tình trạng trứng rụng không đúng chu kỳ kinh nguyệt. Điều này khiến cơ thể không sản sinh nội tiết tố progesterone như chu kỳ thông thường. Đây chính là lý do dẫn đến tình trạng thay đổi nội tiết và rong kinh. U nang buồng trứng có thể là nguyên nhân gây rối loạn buồng trứng.
- Polyp tử cung
Polyp tử cung hình thành từ sự phát triển của các khối u nhỏ và lành tính trên niêm mạc tử cung. Chúng cũng là yếu tố gây ra tình trạng nguyệt san kéo dài và ra nhiều.
- Biến chứng thai kỳ
Phụ nữ có tiền sử sảy thai hoặc sau thời kỳ sinh đẻ có khả năng cao bị rong kinh. Ở phụ nữ sau sinh, sự rối loạn nội tiết tố hoặc việc hoạt động trở lại của buồng trứng chính là tác nhân gây ra hiện tượng này.
- Ung thư
Hiện tượng chảy máu bất thường tại cơ quan sinh dục có thể do ung thư niêm mạc tử cung hoặc ung thư cổ tử cung gây ra. Đối tượng dễ gặp phải là người trong độ tuổi mãn kinh, Pab bất thường. Để phát hiện sớm ung thư, chị em nên khám phụ khoa định kỳ.
- Do phản ứng của thuốc
Nhiều người có thói quen lạm dụng các loại thuốc nội tiết, thuốc chống viêm, enoxaparin, thuốc warfarin,… Tân dược có thể gây phản tác dụng và dẫn đến hiện tượng xuất huyết máu kéo dài trong chu kỳ kinh nguyệt.
- Di truyền chảy máu
Một số người gặp phải chứng rối loạn đông máu như bệnh Von Willebrand, xuất huyết giảm cầu,… khiến cơ thể thiếu yếu tố đông máu. Bên cạnh đó, nguyên nhân gây bệnh còn do bệnh lý về gan, thận,…
Rong kinh ở phụ nữ có nguy hiểm không?
Rong kinh sinh lý là hiện tượng bình thường, ngược lại, rong kinh bệnh lý có thể gây ra biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Một số biến chứng khó kiểm soát của hiện tượng này là:
- Gia tăng tình trạng viêm nhiễm phụ khoa
Tình trạng rong kinh khiến vùng kín thường xuyên ẩm ướt và khó thông thoáng. Lúc này, nấm, vi khuẩn, ký sinh đã tận dụng cơ hội để sinh sản, gây viêm và hình thành nhiều bệnh phụ khoa.
Khi chị em không can thiệp kịp thời, vùng viêm nhiễm lan rộng dẫn đến viêm cổ tử cung, viêm lộ tuyến cổ tử cung.
- Rong kinh gây thiếu máu
Đây là hiện tượng phổ biến ở phái nữ bị rong kinh trong thời gian dài. Khi cơ thể thiếu máu, chị em sẽ thấy da nhạt, xỉn màu, tâm lý bất ổn, mệt mỏi, sức khỏe yếu.
Nếu bị thiếu máu nghiêm trọng, bạn có thể bị choáng váng, ngất xỉu. Tình trạng này làm suy giảm hệ miễn dịch, chị em hay mắc bệnh vặt và cơ thể suy nhược.
- Ảnh hưởng đời sống sinh hoạt
Chu kỳ kinh nguyệt càng kéo dài, đời sống sinh hoạt và chuyện vợ chồng càng chịu nhiều ảnh hưởng. Chị em luôn cảm thấy khó chịu, ẩm ướt, máu ra nhiều không thể tập trung làm việc.
Quan hệ tình dục bị cản trở, người vợ khó xác định chính xác thời gian rụng trứng hoặc mang bầu. Đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, vợ chồng hiểu lầm, hôn nhân tan vỡ.
- Toxic shock syndrome
Đây là hội chứng nhiễm trùng cấp tính tương đối nguy hiểm. Lý do phát sinh là do phái nữ sử dụng tampon trong âm đạo quá 8 tiếng đồng hồ. Khi mắc bệnh, chị em sẽ gặp phải các triệu chứng như đau cổ họng, sốt cao, tiêu chảy, tróc da tay chân, huyết áp xuống thấp,…
Chẩn đoán tình trạng rong kinh
Khi kiểm tra sức khỏe tại cơ sở y tế, bác sĩ sẽ hỏi một số vấn đề để nắm bắt tình hình. Cụ thể như:
- Chu kỳ gần nhất xuất hiện vào ngày nào, thời gian diễn ra là bao lâu?
- Năm bao nhiêu tuổi có kinh nguyệt lần đầu?
- Chu kì kinh nguyệt bình thường diễn ra trong bao lâu, những ngày gần đây có thay đổi gì?
- Trong thời gian hành kinh, bạn phải thay băng vệ sinh bao nhiêu lần?
- Trong gia đình có ai từng bị rong kinh chưa?
Người bệnh cần tiếp nhận và trả lời trung thực các câu hỏi mà bác sĩ đưa ra. Đó sẽ là cơ sở để chuyên gia xác định mức độ nghiêm trọng và cân nhắc thực hiện một số xét nghiệm như:
- Thử thai
Khi vùng kín có biểu hiện bất thường, rất có thể đây chính là dấu hiệu nhận biết hiện tượng mang thai. Vì vậy, bác sĩ cần xác định bạn không mang thai rồi mới thực hiện các bước kiểm tra khác.
- Xét nghiệm huyết
Biện pháp này có thể xác định tình trạng thiếu sắt hoặc thiếu máu trong chu kỳ kinh nguyệt. Thông qua bước xét nghiệm, chuyên gia sẽ xác định được bạn có mắc bệnh về rối loạn tuyến giáp hay rối loạn máu đông không.
- Test Pap
Bác sĩ sẽ dùng một que nhỏ để lấy tế bào cổ tử cung nằm bên trong âm đạo. Sau đó, nó được mang đi kiểm tra để xác định tình trạng viêm nhiễm hoặc tổn thương tại tế bào cổ tử cung.
- Nội soi buồng tử cung
Phương pháp này được thực hiện bằng cách đưa một dụng cụ nhỏ, dài, gắn thêm camera vào bên trong buồng tử cung. Dựa trên hình ảnh của camera, bác sĩ có thể nhìn thấy sự bất thường tại buồng tử cung.
- Siêu âm và siêu âm bơm nước lòng tử cung
Bước siêu âm giúp chuyên gia nhìn thấy sự bất thường tại tử cung, vùng chậu, vòi trứng. Cao cấp hơn là cách siêu âm bơm nước lòng tử cung. Với phương pháp này, bác sĩ có thể nhìn thấy từng lớp bên trong thành tử cung.
Để thực hiện, nhân viên y tế sẽ thông qua âm đạo để đặt một ống nhỏ vào tử cung. Bước tiếp theo, bác sĩ bơm nước muối vào bên trong để thành tử cung giãn nở.
Những bước chẩn đoán trên đều giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân và xác định đúng mức độ bệnh lý. Đây là cơ sở quan trọng để các chuyên gia có thể đưa ra phác đồ phù hợp với cơ địa từng người. Lúc này, người bệnh cần lắng nghe lời khuyên của bác sĩ và thực hiện theo đúng chỉ dẫn.
Rong kinh và cách chữa hiệu quả
Kinh nguyệt kéo dài phải làm sao là vấn đề nan giải của nhiều chị em. Nếu điều trị bừa bãi, không dựa trên sức khỏe, người bệnh sẽ chịu nhiều ảnh hưởng xấu. Tốt nhất, bạn nên hiểu rõ cơ địa của bản thân để tìm được biện pháp phù hợp nhất.
Cách chữa rong kinh bằng mẹo dân gian
Nếu mới mắc bệnh rong kinh, bạn có thể đẩy lùi triệu chứng bằng mẹo tại nhà. Sau đây sẽ là 3 cách chữa bệnh bằng dân gian chị em có thể tham khảo:
- Cây nhọ nồi: Lấy một nắm nhọ nồi tươi đem đi rửa sạch. Sau đó bạn giã thật nhỏ để thu được nước cốt của lá. Mỗi ngày bạn hãy uống nước nhọ nồi vào hai buổi sáng – tối để đẩy lùi bệnh tật.
- Ngải cứu: Đun lá ngải cứu chung với các vị thuốc như hy thiêm, hương phụ, ích mẫu thảo, cỏ hôi. Sắc thuốc từ 600ml nước xuống còn 150ml nước thì tắt bếp. Uống thuốc 2 lần/ ngày trong 3 – 4 tháng.
- Đu đủ xanh: Bạn sử dụng máy xay để ép lấy nước cốt đu đủ. Chị em hãy uống nước cốt này hàng ngày cho đến khi triệu chứng bị đẩy lùi.
Lưu ý: Mẹo dân gian không có tác dụng chữa bệnh như thuốc, vì vậy chị em tuyệt đối không lạm dụng. Nếu sử dụng khoảng 1 tuần nhưng tình trạng rong kinh không chuyển biến tốt, bạn nên ngừng áp dụng.
Chữa rong kinh theo đơn thuốc tây
Đến nay, thuốc tây vẫn là lựa chọn hàng đầu của các chị em bị rong kinh. Chỉ trong thời gian ngắn, thuốc đã giúp đẩy lùi các triệu chứng khó chịu của bệnh, do đó chị em cảm thấy yên tâm khi sử dụng.
Những loại tân dược người bệnh có thể được kê là:
- Thuốc kháng viêm không chứa Steroid: Tên gọi khác của thuốc là NSAIDs – có tác dụng giảm đau bụng kinh và giảm lượng nguyệt san khi hành kinh
- Viên tránh thai: Giúp giảm lượng máu kinh, điều hòa kinh nguyệt và thời gian hành kinh ở phái nữ
- Thuốc nội tiết progesterone dạng uống: Có thể cân bằng và điều chỉnh nội tiết tố, từ đó làm giảm hiện tượng rong kinh
- Vòng tránh thai: Kích thích nội tiết tố, làm mỏng lớp nội mạc tử cung, giảm đau bụng kinh và hạn chế lượng máu tiết ra
- Thuốc Tranexamic acid: Có khả năng cầm máu và làm giảm lượng máu bị tiết ra khi hành kinh. Tuy nhiên, chị em chỉ dùng thuốc khi đang bị chảy máu nhiều.
Thuốc tây chứa nhiều tân dược, có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm. Vì vậy, chị em không sử dụng thuốc bừa bãi. Nếu điều trị nội khoa nhưng bệnh không cải thiện, bạn cần liên hệ ngay với y, bác sĩ.
Trị rong kinh bằng biện pháp ngoại khoa
Một trong những phương pháp chữa bệnh khá phổ biến là phẫu thuật. Những người điều trị bằng thuốc không khỏi hoặc âm đạo chịu tổn thương nặng có thể được gợi ý cách chữa này. Những phương pháp phẫu thuật bác sĩ có thể thực hiện là:
- Nạo buồng tử cung
Bác sĩ dùng dụng cụ y tế để nong cổ tử cung, nạo hoặc hút lớp niêm mạc tử cung nhằm ngăn chặn tình trạng xuất huyết.
- Phá hủy nội mạc tử cung
Phương pháp này sử dụng nhiệt, sóng cao tần hoặc tia laser nhằm phá hủy lớp tế bào nằm trong nội mạc tử cung.
- Thuyên tắc động mạch tử cung
Mục đích là làm tắc động mạch và cắt bỏ nguồn cung cấp máu đưa đến tử cung. Thủ thuật này tương tự như quá trình cắt tử cung nhưng người bệnh không phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật về sau. Ngoài ra thời gian phục hồi bệnh cũng diễn ra nhanh hơn.
- Phẫu thuật cắt tử cung
Đây là biện pháp có khả năng chữa khỏi hẳn chứng rong kinh nhưng sẽ ảnh hưởng đến khả năng mang thai. Bác sĩ có thể cắt tử cung thông qua biện pháp mổ hở hoặc nội soi ổ bụng. Lưu ý, người bệnh có thể gặp phải biến chứng nguy hiểm nếu quá trình chăm sóc hời hợt.
Ngoại khoa có khả năng chữa bệnh nhanh, gọn nhưng không phải lựa chọn phổ biến của nhiều chị em. Bởi lẽ, thủ thuật ngoại khoa có thể phát sinh rủi ro và chi phí khá cao.
Một số cách phẫu thuật còn ảnh hưởng đến khả năng đậu thai, khiến chị em gặp tình trạng vô sinh, hiếm muộn. Vì vậy, khi không thực sự cần thiết, người bệnh không nên thực hiện.
Điều trị rong kinh theo y học cổ truyền
Theo ghi chép của Đông y, rong kinh có tên gọi khác là chứng băng lậu. Căn nguyên khiến máu kinh chảy nhiều và kéo dài là do mạch xung và mạch nhâm chịu thương tổn.
Yếu tố trực tiếp gây bệnh là do công năng của tạng phủ và khí huyết không thể điều hòa. Những vấn đề như buồn bã, lo lắng, kinh hãi, ăn uống kém, quan hệ tình dục thiếu điều độ cũng là tác nhân phát sinh bệnh lý.
Tác dụng của Đông y là điều kinh, cầm máu, giúp quá trình phóng noãn trở lại bình thường. Khi kiên trì uống thuốc nam, người bệnh sẽ được phục hồi thể trạng, giảm bớt căng thẳng mệt mỏi và tăng cường máu. Như vậy, tình trạng rong kinh được điều trị khỏi hẳn và đẩy lùi nguy cơ tái phát.
Khác với Tây y, Đông y có thành phần chính là các dược liệu tự nhiên, đặc biệt an toàn, ít gây biến chứng. Thảo dược được điều chỉnh dựa trên cơ địa của từng bệnh nhân, vì vậy mọi người có thể yên tâm sử dụng.
Rong kinh nên ăn gì, kiêng gì? Cách phòng tránh bệnh
Thay vì chỉ điều trị bằng thuốc, bạn nên có một lối sống tốt, thực đơn ăn uống hợp với sức khỏe. Yếu tố về sinh hoạt và dinh dưỡng giúp ích rất lớn cho quá trình đẩy lùi bệnh và ngăn ngừa tái phát.
Rong kinh nên ăn gì, kiêng gì?
Khi bị rong kinh chị em nên ăn nhiều thực phẩm giàu khoáng chất, magie, kẽm, omega 3, vitamin, trái cây, rau xanh, đặc biệt là ngải cứu,… Các dưỡng chất tốt có khả năng giảm đau bụng kinh, điều hòa kinh nguyệt, giảm lượng máu xấu.
Ngược lại, chị em không nên sử dụng chất kích thích, đồ uống có cồn, thức ăn nhiều dầu mỡ, hạn chế ăn thịt, đồ ăn có vị chua,…
Nhóm thực phẩm này sẽ gây ra tình trạng co thắt cơ trơn tử cung và ảnh hưởng đến quá trình loại bỏ chứng rong kinh. Ngoài ra, thức ăn nhanh còn gây chướng bụng, đầy hơi, đau bụng âm ỉ khi đến kỳ kinh
Các cách phòng ngừa bệnh rong kinh
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, chị em nên chú ý đến cách sinh hoạt hằng ngày. Chẳng hạn như:
- Trong thời kỳ hành kinh, bạn nên nằm nghỉ ngơi, hạn chế vận động hoặc khuân vác nặng
- Rèn luyện sức khỏe, tập thể dục thường xuyên, giải tỏa căng thẳng, tránh stress, mệt mỏi,…
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đặc biệt là trong những ngày đèn đỏ
- Tuyệt đối không quan hệ tình dục khi tới kỳ kinh nguyệt, nên sử dụng biện pháp phòng tránh khi cần thiết
- Nếu cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường, chị em cần sớm thăm khám phụ khoa để kiểm tra sức khỏe
Rong kinh là tình trạng kinh nguyệt bị rối loạn khiến chu kỳ hành kinh diễn ra trong thời gian dài. Khi cơ thể mất quá nhiều máu, sức khỏe bị ảnh hưởng, sức đề kháng cũng suy giảm dần. Ngoài ra, hiện tượng này có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý về phụ khoa. Thay vì chủ quan, chị em nên chú ý hơn đến việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe vùng kín.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!