Tìm hiểu bệnh chàm khô là gì và cách điều trị như thế nào?
Bệnh chàm khô xuất hiện thường xuyên vào mùa Đông khiến da bị khô ráp, nứt nẻ, ngứa rát khó chịu. Vậy, nhận biết bệnh chàm khô qua những dấu hiệu gì và cách chăm sóc da thế nào để giảm bớt khó chịu cũng như ngăn ngừa bệnh xuất hiện? Hãy cùng tìm hiểu qua nội dung dưới đây để có câu trả lời.
Bệnh chàm khô là gì? Có nguy hiểm không?
Chàm khô là một trong những thể chàm da (eczema) thường gặp, với đặc trưng là vùng da bị khô, tăng sừng hóa, bong vảy. Đừng bỏ lỡ nội dung dưới đây nếu muốn hiểu rõ hơn về bệnh chàm khô.
Bệnh chàm khô là bệnh gì?
Bệnh chàm khô là tên gọi nhiều người biết đến của bệnh chàm tiếp xúc khi ở giai đoạn mãn tính. Đặc trưng của bệnh là triệu chứng da khô ráp, dày sừng, da bong tróc, tứa máu và thường xuyên ngứa rát khó chịu. Bệnh xảy ra do lớp sừng của da bị tổn thương gây mất nước khiến da bị khô căng tức đồng thời kích thích tăng sinh tế bào sừng.
Bệnh chàm khô thường gây ảnh hưởng tới những vùng da có mật độ tiếp xúc nhiều, vùng da hở như chàm khô da tay, bệnh chàm khô ở mặt, bàn chân, vùng da mặt. Do các vị trí này thường xuyên tiếp xúc với nước, hóa mỹ phẩm và tác nhân bên ngoài nên có xu hướng khô ráp hơn, tạo điều kiện để các dị nguyên xâm nhập gây tổn thương da.
Các triệu chứng chủ yếu của bệnh chàm khô thường ở bên ngoài da nên không ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Tuy nhiên, vì tính chất bệnh dai dẳng, khó điều trị, tái phát nhiều lần nên đây luôn là bệnh da liễu khiến người bệnh mất ăn mất ngủ, lo lắng vì ảnh hưởng tới ngoại hình, phiền toái trong sinh hoạt.
Hiện nay bệnh chàm khô khá phổ biến, có thể xuất hiện bệnh chàm khô ở trẻ em và cả người lớn, không phân biệt giới tính, tuổi tác. Gãi hoặc chà xát da sẽ khiến tình trạng viêm nhiễm nặng nề hơn. Không tiến hành cách chữa bệnh chàm khô sớm sẽ khiến vùng da bị chàm khô ngứa ngáy dữ dội, thậm chí bị bội nhiễm. Chàm khô ở tay có thể gây biến dạng ngón tay, để lại sẹo vĩnh viễn.
Bệnh chàm khô có lây không? Có nguy hiểm không?
Sau khi đã biết bệnh chàm khô là gì, nhiều người sẽ thắc mắc không biết bệnh chàm khô có lây không? Có gây nguy hiểm không?
Theo các bác sĩ chuyên khoa da liễu, bệnh chàm khô không có khả năng lây nhiễm. Vì bệnh có thể là do rối loạn chức năng miễn dịch và dị ứng. Tuy nhiên, đây lại là căn bệnh mang tính di truyền, nếu như bố hoặc mẹ từng bị bệnh, con sinh ra sẽ có tỷ lệ bị bệnh khá cao.
Bệnh chàm khô không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng nó lại gây nhiều ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt, làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bị chàm khô ở tay sẽ khiến sinh hoạt khó khăn hơn, điều trị khó khỏi. Bị chàm khô ở mặt sẽ khiến người bệnh tự ti, ngại giao tiếp. Nếu chủ quan không tìm cách điều trị chàm khô sớm và đúng cách, bệnh có thể khó điều trị.
Hơn nữa, chàm khô còn gây mất thẩm mỹ. Vì thế, người bệnh sẽ luôn mang trong mình tâm lý e ngại, lo lắng, tự ti khi giao tiếp với mọi người xung quanh. Khó chịu nhất là những cơn ngứa gây ra hằng ngày, thậm chí đau, chảy máu tại các vết nứt nẻ. Cơ thể người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Để tránh gây ra những tổn thương nặng, người bệnh không nên gãi hoặc chà xát lên vùng da bị chàm. Bởi vì gãi sẽ càng kích hoạt cơn ngứa, đồng thời khiến da bị tổn thương nặng, thậm chí gây nên chàm bội nhiễm, biến dạng móng…
Nguyên nhân bị chàm khô
Đã có rất nhiều những nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu về nguyên nhân bị chàm khô. Tuy chưa tìm được nguyên nhân chính xác, nhưng các chuyên gia đã chỉ ra một số “thủ phạm” làm tăng nguy cơ mắc bệnh này. Bao gồm:
- Yếu tố di truyền
Có thể nói yếu tố di truyền được đưa lên hàng đầu trong những nguyên nhân gây chàm khô nói riêng cũng như bệnh chàm nói chung. Theo thống kê, nếu có người thân trong gia đình có tiền sử mắc bệnh chàm khô, thì bạn cũng có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với người bình thường.
- Rối loạn chuyển hóa
Rối loạn chuyển hóa xảy ra khi những phản ứng hóa học trong cơ thể bất thường gây ảnh hưởng tới quá trình trao đổi chất. Hiện tượng này có thể dẫn tới tình trạng tăng sinh tế bào sừng khiến da bong tróc, thô ráp, sần ngứa.
Có thể kể đến một số yếu tố bên trong cơ thể kích thích gây nên bệnh chàm khô tróc vảy như các rối loạn chức năng nội tiết, rối loạn thần kinh, tiêu hóa, người bị rối loạn quá trình sinh sản tế bào da… Ngoài ra, rối loạn chuyển hóa có thể khiến cơ thể thiếu hụt lipid (lớp màng bảo vệ) khiến da yếu, dễ bị tổn thương.
- Do bệnh lý
Có một số căn bệnh có thể gây ra bệnh chàm khô tróc vảy như bệnh liên quan đến gan, viêm đại tràng, các bệnh về thận…
- Tác nhân bên ngoài
Xà phòng, nước, hóa mỹ phẩm có độ axit hoặc kiềm cao, các sản phẩm làm đẹp có thành phần kích ứng, dung môi công nghiệp, môi trường ô nhiễm… có khả năng làm tiêu đi lớp sừng trên da, khiến da mất nước, khô ráp. Thực tế, bệnh chàm khô và các bệnh lý da liễu thường khởi phát khi người bệnh tiếp xúc quá nhiều với những chất này.
Ngoài ra, thời tiết chuyển lạnh đột ngột và độ ẩm giảm thấp cũng sẽ kích thích quá trình thoát hơi nước của da, tăng nguy cơ chàm khô. Điều đó lý giải vì sao bệnh chàm khô thường bùng phát mạnh vào mùa Thu và mùa Đông khi thời tiết chuyển lạnh.
- Một số yếu tố khác
Bên cạnh đó, bệnh có thể trở nên nặng hơn do một số yếu tố như: Tâm lý bất ổn, thường xuyên suy nhược, căng thẳng, cơ thể bị dị ứng với đồ ăn, người không giữ gìn vệ sinh da đúng cách. Người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời, trước đó đã từng bị tổn thương nhỏ ở da dễ làm tăng nguy cơ xuất hiện bệnh.
Nhận biết nhanh dấu hiệu chàm khô
Nắm rõ các dấu hiệu bệnh chàm khô sẽ giúp bạn phát hiện bệnh sớm, từ đó có hướng điều trị tích cực. Triệu chứng bệnh chàm khô dễ quan sát được đó là:
- Da khô cứng kèm theo tình trạng bong tróc, sần sùi, ngứa ngáy. Gãi cào nhiều có thể khiến da bị tổn thương, chảy máu và hình thành tổn thương thứ phát.
- Một biểu hiện của bệnh chàm khô khi lớp sừng dày bong tróc hoặc vô tình bị bóc ra sẽ lộ lớp da non mỏng màu đỏ ngứa âm ỉ.
- Theo thời gian, da có xu hướng bị liken hóa, lớp da sẽ dày sừng, thâm sạm một mảng rộng.
- Nếu xảy ra bội nhiễm, tổn thương da đi kèm với hiện tượng sưng nóng, xuất hiện các ổ viêm có mủ, đau nhức kèm sốt cao…
Các dấu hiệu này thường xuất hiện trên vùng da người lớn. Ở trẻ nhỏ, triệu chứng chàm khô sẽ nhẹ hơn. Khi nhận thấy những triệu chứng bệnh chàm khô trên, bạn nên tới các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và có hướng xử lý tốt nhất.
Cách trị chàm khô hiệu quả
Cho đến nay, bệnh chàm khô và các thể chàm khác vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Mục đích chính những cách điều trị chàm khô là giảm ngứa, cải thiện những tổn thương da và ngăn ngừa biến chứng. Ngoài ra người bệnh cũng phải lưu ý kiêng kị những tác nhân gây ra bệnh tránh tình trạng tái phát.
Một số cách trị chàm khô bạn có thể áp dụng:
Dưỡng ẩm đúng cách
Vì đặc trưng của bệnh là da khô ngứa ngáy, lớp da dày sừng bong tróc, nên biện pháp đầu tiên để trị chàm khô hiệu quả là dưỡng ẩm da đều đặn. Cách trị chàm khô này sẽ cải thiện tình trạng mất nước trên da, giúp da luôn mềm ẩm, giảm khô ráp, bong tróc. Khi tình trạng mất nước bị đẩy lùi, các triệu chứng khác sẽ có xu hướng giảm dần.
Các chuyên gia da liễu khuyên nên sử dụng kem dưỡng sau khi tắm và đã lau khô người. Đây là thời điểm tốt nhất giúp da hấp thụ dưỡng chất. Bạn có thể trao đổi với bác sĩ về các sản phẩm dưỡng ẩm an toàn. Đa số những sản phẩm này chứa các thành phần dưỡng ẩm, bổ sung dưỡng chất tái tạo da như vitamin B5, vitamin E, kẽm, chiết xuất yến mạch…
Thuốc trị chàm khô
Ngoài việc dưỡng ẩm da đúng cách các bác sĩ sẽ chỉ định những loại thuốc trị chàm khô phù hợp với tình trạng bệnh của bạn. Dựa trên mức độ tổn thương nặng nhẹ, triệu chứng và khả năng đáp ứng của da bác sĩ có thể chỉ định một số nhóm thuốc như:
- Nhóm thuốc bôi chàm khô chứa thành phần là corticoid
Nhóm thuốc này thường dùng ở dạng kem, dạng thuốc mỡ có tác dụng giữ ẩm da, chống viêm, giảm các dị ứng tại chỗ để giúp da dễ chịu. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có thể gây mỏng da, teo da nếu bị lạm dụng và dùng sai cách vì thế hãy tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
- Nhóm thuốc ức chế calcineurin
Nhóm thuốc này sẽ được dùng xen kẽ với nhóm thuốc bôi để giảm nguy cơ biến chứng. Chúng có tác dụng tương tự corticoid nhưng ít phát sinh rủi ro khi sử dụng.
- Thuốc kháng histamine H1
Thuốc kháng histamine H1 gây ức chế chất trung gian gây dị ứng – histamine, từ đó cải thiện triệu chứng ngứa ngáy giảm tổn thương ngoài da. Nhóm thuốc này mang đến hiệu quả thấy rõ với những người bị chàm khô do phản ứng dị ứng.
- Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh sẽ ức chế hoặc tiêu diệt vi khuẩn, được sử dụng nếu da bị tổn thương do bội nhiễm. Tuy nhiên, nhóm thuốc này không thể dùng tùy tiện và cần được bác sĩ chỉ định.
Trong các trường hợp người bệnh bị chàm khô kéo dài, da ngứa nhiều và không đáp ứng tốt các loại thuốc kể trên, bác sĩ có thể cân nhắc cho người bệnh dùng thuốc corticoid đường uống, can thiệp liệu pháp ánh sáng (quang trị liệu) hoặc thuốc ức chế miễn dịch.
Cách trị chàm khô theo Đông y
Bệnh chàm khô là một chứng bệnh dai dẳng, có thể tái đi tái lại nhiều lần. Chính vì vậy, ngoài biện pháp sử dụng thuốc Tây, nhiều bệnh nhân còn áp dụng các bài thuốc Đông y. Những bài thuốc Đông y dưới đây được đánh giá là lành tính, giúp cải thiện các triệu chứng, ngăn ngừa tái phát chàm hóa hiệu quả:
Thuốc ngâm rửa:
- Đun lá kinh giới và lá vối tươi với nước hoặc dùng ngải cứu, kinh giới, phèn xanh, vỏ núc nác, xà sàng tử đem rửa sạch, đun với nước tới khi sôi để nguội.
- Dùng để ngâm rửa vùng da bị chàm khô.
- Bài thuốc này sẽ giúp da kháng khuẩn, làm mềm da dịu đi những tổn thương tại vùng bị chàm. Ngâm rửa kiên trì mỗi ngày 2 lần sẽ thấy hiệu quả.
Thuốc uống:
- Bài thuốc 1: Nguyên liệu bao gồm kinh giới, thục địa và sinh địa mỗi thứ 16g, và phòng phong, thương truật, bạch thược, đương quy mỗi loại 12g, bạch tật lê, thuyền thoái và khổ sâm mỗi loại 8g. Đem sắc uống, 1 thang này chia làm 3 lần mỗi ngày.
- Bài thuốc 2: Dùng hoàng cầm 2g, bạch thược 4g và hoàng liên 8g. Phơi khô rồi tán bột mịn trộn lẫn với nhau sau đó pha với nước lọc để uống. Khi uống cho thêm 1 lòng đỏ trứng vào khuấy đều chia làm 3 lần mỗi ngày.
- Bài thuốc 3: Dùng phòng phong và thương truật mỗi thứ 8g kết hợp với ké đầu ngựa, hy thiêm, phù bình và hoàng bá mỗi thứ 12g sắc uống. Mỗi ngày 1 thang này chia làm 3 lần uống.
Cách trị bệnh chàm khô bằng các bài thuốc uống thường cho tác dụng giải độc, tiêu viêm từ bên trong hiệu quả. Tuy nhiên, vì các vị thuốc phức tạp và không phải ai cũng hiểu rõ cũng như nhận biết thuốc chính xác, bạn tuyệt đối không tự ý bốc thuốc hoặc pha chế tránh sự nhầm lẫn. Hãy tới các cơ sở y tế Đông y để được bác sĩ chỉ định thuốc chính xác nhất.
Chăm sóc người bị chàm khô và cách phòng ngừa
Ngoài các cách điều trị bệnh chàm khô nói trên, người bệnh cần có một chế độ chăm sóc khoa học nhằm hỗ trợ làm giảm triệu chứng, kiểm soát sự phát triển của bệnh và hạn chế tình trạng tái phát.
Trong chăm sóc và phòng ngừa bệnh, người bị chàm khô cần lưu ý:
- Uống nhiều và đủ nước mỗi ngày để da không bị khô, cải thiện ngứa do khô ráp căng tức bề mặt da.
- Ăn uống đủ chất, không kiêng khem quá độ.
- Tránh xa các loại hóa mỹ phẩm có hại. Đeo bao tay, đi ủng hoặc có đồ bảo hộ để giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng đến da mỗi khi tiếp xúc với các chất gây kích ứng.
- Dưỡng ẩm đều đặn mỗi ngày sau khi tắm, vệ sinh da bằng các sản phẩm dịu nhẹ, có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ, chống nắng thường xuyên tránh tình trạng tiếp xúc trực tiếp với ánh mặt trời.
- Khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột cần giữ ấm cơ thể, có thể sử dụng máy tạo độ ẩm để đảm bảo da không bị thay đổi và mất nước đột ngột.
- Mặc đồ thông thoáng chất liệu mềm mại thấm hút, không gãi lên vùng da bị thương.
- Vệ sinh không gian sống thường xuyên, sạch sẽ tránh nguy cơ tiếp xúc với nấm mốc, vi khuẩn kích ứng khác. Kiểm soát căng thẳng, lo âu trong quá trình điều trị bệnh chàm khô.
- Tham vấn chuyên gia về các sản phẩm giúp thúc đẩy sản sinh collagen, cải thiện sức khỏe của làn da như, omega 3, vitamin C, kẽm, vitamin E… nếu cần thiết.
Đối với việc chăm sóc và phòng ngừa bệnh chàm khô ở trẻ em, các bậc phụ huynh cần nắm rõ các triệu chứng, nguyên nhân bệnh chàm khô và các yếu tố làm gia tăng tình trạng bệnh. Đồng thời lưu ý:
- Để tránh việc cào gãi có thể đeo bao tay tránh sự tiếp xúc trực tiếp gây viêm nhiễm.
- Da trẻ rất nhạy cảm nên việc dùng kem dưỡng ẩm đối với bé bị chàm khô cũng cần chú ý. Sử dụng các sản phẩm có thành phần dưỡng ẩm từ thảo dược, chứa dầu (như vaseline)… sẽ giúp da bé mềm mịn, bớt khó chịu.
- Bác sĩ thường khuyến cáo chỉ nên sử dụng thuốc bôi tại chỗ có lượng steroid nồng độ thấp để kiểm soát triệu chứng và bạn phải tuyệt đối tuân theo chỉ dẫn trong việc dùng thuốc điều trị cho trẻ.
- Chỉ bôi thuốc vào những vùng da bị chàm khô ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ không bôi lên vùng da lành. Không dùng thuốc tại các vị trí nếp gấp của da, không bôi lên mắt, mũi, miệng của trẻ.
- Dùng kem dưỡng ẩm, thuốc steroid với nồng độ thấp, thuốc kháng Histamine không quá 2 lần mỗi ngày.
- Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nhiều hơn hoặc tự ý ngừng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Để ngăn ngừa chàm khô tái phát, cha mẹ nên giữ da trẻ luôn sạch sẽ, thoáng mát, cho trẻ mặc quần áo chất liệu cotton, tránh để trẻ ra nhiều mồ hôi, cho trẻ ở phòng thoáng rộng sạch sẽ.
- Đối với trẻ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các sản phẩm chứa hương thơm tổng hợp, bụi bẩn, các chất gây kích ứng dị ứng…
Chàm khô là một bệnh da liễu khá phổ biến nó có thể xuất hiện ở cả trẻ nhỏ và người trưởng thành. Mọi triệu chứng khó chịu của bệnh có thể giảm nhanh nếu bạn biết cách điều trị, chăm sóc đúng cách. Trong 1uá trình điều trị, hãy kiên trì, chủ động phòng ngừa tránh nguy cơ phát sinh biến chứng. Hy vọng những thông tin trên về bệnh chàm khô sẽ giúp ích cho bạn.
Thông tin bổ ích:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!