Bị chàm ở tay chân: Hướng dẫn CHI TIẾT cách điều trị và phòng tránh
Bị chàm ở tay chân có thể ảnh hưởng tới trẻ nhỏ, nhưng vẫn thường gặp ở người lớn hơn. Loại chàm này thực sự là mối lo ngại cho nhiều người, đặc biệt là những đối tượng đang trong độ tuổi lao động.
Bị chàm ở tay chân và dấu hiệu nhận biết
Bị chàm ở tay chân là một tình trạng da liễu mãn tính phổ biến gây ra mụn nước nhỏ, khô và ngứa rát ở khu vực bị ảnh hưởng. Nó còn được gọi là chàm tổ đỉa (dyshidrotic eczema, dyshidrosis, acute palmoplantar eczema hoặc pompholyx).
Chàm ở chân tay xuất hiện đột ngột. Đối với hầu hết trường hợp, dấu hiệu đầu tiên là các vết phồng rộp sâu hoặc mụn nước trên tay, chân. Một số người cảm thấy ngứa hoặc nóng rát trước khi mụn nước xuất hiện.
Các dấu hiệu bị chàm ở tay chân có thể bao gồm:
- Các mụn nước nhỏ có kích thước khác nhau ở lòng bàn tay/chân và hai bên ngón tay/chân (có thể chỉ xuất hiện ở tay, chân hoặc cả tay và chân)
- Phát ban và da có vảy ở vùng xuất hiện mụn nước
- Đổ nhiều mồ hôi ở nơi bạn bị mụn nước
- Cảm giác ngứa hoặc rát trên vùng da có mụn nước (đôi khi, cảm giác khó chịu có thể xuất hiện trước khi mụn nước nổi lên)
- Đau ở vùng da mọc mụn nước
Các mụn nước thường thuyên giảm và khỏi hẳn trong 2 – 3 tuần, hoặc sớm hơn nếu điều trị đúng cách. Khi các mụn nước biến mất, làn da thường bị khô lại, bong tróc, thi thoảng để lại sẹo.
Nếu bạn bị chàm tay chân thường xuyên tái phát, da có thể bắt đầu dày lên, xuất hiện vảy và phát triển các vết nứt sâu gây đau đớn.
Dấu hiệu bị chàm ở tay chân có thể từ nhẹ tới nặng. Nếu bạn bị chàm nghiêm trọng ở bàn chân, mụn nước có thể khiến bạn khó đi lại. Trong khi đó, vết phồng rộp trên tay có thể khiến bạn khó thực hiện những công việc thường ngày, như nấu ăn, đánh máy, rửa bát, giặt đồ…
Nhiễm trùng cũng có khả năng phát triển ở vị trí bị chàm, đặc biệt nếu người bệnh gãi hoặc chọc mụn nước. Tụ cầu khuẩn là một trong những “thủ phạm” phổ biến nhất. Dấu hiệu nhiễm tụ cầu khuẩn bao gồm:
- Đau đớn
- Sưng tấy
- Da dày
- Mưng mủ
Đối với tình trạng này, bạn có thể cần phải dùng thuốc kháng sinh để điều trị.
Nguyên nhân khiến tay và chân bị chàm
Nguyên nhân gây ra bệnh chàm, trong đó có chàm ở tay chân, vẫn chưa được tìm hiểu rõ ràng. Tình trạng này có thể là một phản ứng phức tạp xảy ra trong hệ thống miễn dịch.
Những người dễ mắc bệnh chàm ở tay và chân nhất là người trưởng thành từ 20 – 40 tuổi, thường có một hoặc nhiều yếu tố sau:
- Bị viêm da cơ địa hoặc người thân bị viêm da cơ địa
- Bị viêm da tiếp xúc, đặc biệt là dị ứng với niken
- Có người thân bị chàm ở chân tay
- Bị viêm mũi dị ứng
- Lòng bàn tay và bàn chân hay ra mồ hôi
- Một số người bị chàm ở tay chân nhiều vào mùa Xuân hoặc mùa Hè (nền nhiệt độ tăng)
Tiếp xúc với những chất sau cũng làm tăng nguy cơ bị chàm ở tay chân:
- Ngâm tay trong nước kéo dài (như nhân viên vệ sinh, nhà tạo mẫu tóc, nghệ nhân cắm hoa…)
- Làm việc với xi măng (như công nhân, kỹ sư công trình, tài xế xe trộn bê tông…)
- Làm việc với crom, coban hoặc niken
Theo nhiều chuyên gia sức khỏe, bệnh nhân đang điều trị bằng liệu pháp miễn dịch có thể bị chàm ở tay chân. Nhiều bệnh nhân báo cáo rằng bản thân bị nổi mụn nước ở tay hoặc chân sau khi tiêm truyền globulin miễn dịch qua tĩnh mạch. Một vài người khác phát triển loại chàm này sau khi được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch. Các triệu chứng chàm có thể xấu đi sau mỗi lần tiêm truyền. Vì vậy, chẩn đoán sớm là điều rất quan trọng. Hầu hết các trường hợp bị chàm ở tay chân do liệu pháp này đều được điều trị thành công.
Các triệu chứng chàm tay và chân cũng có thể trở nên nặng hờn vào những thời điểm nhất định, chẳng hạn như các khoảng thời gian:
- Người bệnh bị căng thẳng hoặc lo lắng
- Thời tiết ấm áp, nhiệt độ và độ ẩm tăng
- Thực hiện các công việc phải ngâm nước nhiều, khiến tay hoặc chân bị ẩm ướt kéo dài trong suốt cả ngày
Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Chàm Quốc gia Mỹ, phụ nữ có nhiều khả năng phát triển chàm ở chân và tay hơn nam giới. Sự khác biệt này có thể là do phụ nữ phải tiếp xúc với một số chất kích thích thường xuyên hơn nam giới, ví dụ như niken hoặc coban trong đồ trang sức.
Bị chàm ở tay chân có nguy hiểm không? Có lây không?
Đối với hầu hết những người bị chàm ở tay chân, bệnh da liễu này chỉ gây ra ngứa ngáy, bất tiện, giảm thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống. Đối với những trường hợp khác, cơn đau và ngứa có thể hạn chế việc sử dụng tay hoặc chân trong những hoạt động bình thường. Bên cạnh đó, gãi mạnh có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng – tình trạng cần điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Về bản chất, chàm ở tay chân không phải là bệnh lây nhiễm. Trong trường hợp các mụn nước bị nhiễm khuẩn và vỡ ra, thì vi khuẩn từ đây có thể lây sang người khác. Tuy vậy, bệnh chàm không thể lây lan trong mọi trường hợp.
Cách chẩn đoán bệnh chàm ở chân – tay
Để chẩn đoán chàm, bác sĩ thường kiểm tra tình trạng da cũng như đặt ra nhiều câu hỏi về bệnh sử gia đình, nghề nghiệp, chế độ ăn uống và thuốc mà người bệnh đang dùng.
Xét nghiệm dị ứng (ví dụ như xét nghiệm 36 dị nguyên) có thể được khuyến nghị để xác định các chất gây dị ứng cụ thể có khả năng gây ra bệnh chàm. Xét nghiệm 36 dị nguyên sử dụng mẫu bệnh phẩm là huyết thanh. Xét nghiệm giúp xác định có tồn tại kháng thể IgE/Immunoglobulin E đặc hiệu với dị nguyên ở trong máu của người bệnh hay không. Từ đó giúp bác sĩ xác định được các dị nguyên gây dị ứng đối với cơ thể. Các chất gây dị ứng phổ biến có thể bao gồm một số loại thực phẩm, lông vật nuôi, nấm mốc và phấn hoa.
Thông qua xác định các yếu tố kích hoạt tiềm năng, bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị chàm phù hợp để giúp bệnh nhân giảm tỷ lệ mắc bệnh chàm bùng phát.
Sinh thiết da cũng có thể được áp dụng để loại trừ các nguyên nhân có thể khác gây ra mụn nước, chẳng hạn như nhiễm nấm. Sinh thiết da là thủ thuật khá đơn giản, được áp dụng phổ biến trong chẩn đoán rối loạn về da. Phương pháp này được thực hiện thông qua lấy một mẫu da (kích thước từ 2 – 5mm) để xét nghiệm mô bệnh học.
Cách chữa bệnh chàm ở chân – tay
Kế hoạch điều trị khi bị chàm ở tay chân tập trung giảm các triệu chứng khó chịu. Người bệnh hoàn toàn có thể tự chăm sóc, điều trị chàm tại nhà. Điều quan trọng là phải thực hiện các biện pháp một cách khoa học, phù hợp.
Điều trị chàm tay chân mức độ nhẹ – vừa
Điều trị chàm ngay từ khi các mụn nước mới xuất hiện và các triệu chứng nhẹ là chiến lược tốt nhất, giúp bệnh nhanh thuyên giảm và hồi phục.
Ngâm và chườm mát
Bạn có thể ngâm chân và tay vào nước mát, hoặc chườm khăn mát lên các vị trí bị chàm. Nên áp dụng 15 phút/lần, khoảng 2 – 4 lần/ngày. Điều này giúp các mụn nước nhanh khô, giảm ngứa và nóng rát trên da.
Sau mỗi lần ngâm hoặc chườm mát, bạn nên bôi kem hoặc thuốc mỡ, chẳng hạn như corticosteroid.
Corticosteroid tại chỗ
Các loại corticosteroid dùng tại chỗ như Dermovate, Flucinar, Tempovate có thể làm giảm viêm và mụn nước khá tốt. Tuy nhiên, người bệnh nên thực hiện theo chỉ định của bác sĩ và không dùng liên tiếp quá 20 ngày. Vì những thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ là giãn mao mạch, teo da hoặc dày sừng nang nông.
Thuốc kháng histamin tổng hợp
Các thuốc kháng histamin phổ biến như Cetirizin, Clorpheniramin và Loratadin cũng thường được khuyến nghị sử dụng để giảm ngứa, khó chịu do chàm.
Kem dưỡng ẩm
Đây là cách dễ dàng nhất giúp giảm khô và khó chịu do chàm. Bạn nên thoa sản phẩm này sau mỗi lần tắm, rửa tay hoặc chân.
Nên chọn các loại kem dưỡng tự nhiên, không chứa hóa chất bảo quản hoặc các chất gây dị ứng tiềm năng.
Thuốc kháng sinh hoặc kháng nấm
Những thuốc này được chỉ định trong trường hợp các mụn nước bị nhiễm trùng hoặc nhiễm nấm (thường gặp ở bệnh nhân bị nấm kẽ chân). Có cả hai dạng bôi ngoài da và uống trong.
Bạn chỉ nên sử dụng thuốc này khi được bác sĩ chỉ định, dùng đúng liều, đủ ngày để ngăn ngừa các tác dụng không mong muốn.
Điều trị chàm chân tay nặng
Nếu các phương pháp điều trị nếu trên không hiệu quả hoặc bạn bị chàm ở tay chân quá nặng, bác sĩ da liễu có thể đề nghị một trong những biện pháp sau đây.
Tiêm botulinum toxin
Đây là một chất giúp điều trị co cơ quá mức. Nó thường được dùng để giảm nếp nhăn và ra nhiều mồ hôi ở nách. Ở những bệnh nhân chàm tay chân hoặc tổ đỉa, tiêm botulinum toxin có thể tạm thời làm thư giãn các cơ và ngừng tăng tiết mồ hôi. Như đã biết, quá nhiều mồ hôi ở tay hoặc chân là một yếu tố làm tăng nguy cơ bị chàm.
Để áp dụng kỹ thuật tiêm này, người bệnh cần được bác sĩ cho phép, không nên tự ý tiêm hoặc tiêm ở các cơ sở thẩm mỹ không uy tín.
Chích rạch và dẫn lưu dịch
Đối với các mụn nước to, gây đau đớn, có nguy cơ vỡ và nhiễm trùng, bác sĩ có thể khuyến nghị nên chích rạch an toàn tại phòng khám hay bệnh viện. Điều quan trọng là người bệnh không nên tự chích rạch mụn nước tại nhà nhằm tránh nguy cơ nhiễm trùng, khiến bệnh nặng hơn.
Corticosteroid toàn thân
Đối với các trường hợp nặng, thuốc bôi tại chỗ không có hiệu quả, người bệnh có thể được kê đơn thuốc corticosteroid toàn thân, bao gồm uống hoặc tiêm.
Liệu pháp ánh sáng
Phương pháp điều trị này được áp dụng phổ biến trong điều trị nhiều bệnh da liễu mãn tính, như vảy nến, viêm da cơ địa, chàm thể tạng…
Cơ chế của liệu pháp ánh sáng là cho da tiếp xúc với tia cực tím (UV) trong một khoảng thời gian quy định và dưới sự giám sát của bác sĩ da liễu. Tia UV ức chế tổng hợp DNA, giảm chức năng của tế bào miễn dịch, qua đó ức chế các chất tiền viêm cùng như thành phần trung gian. Điều này sẽ giúp giảm triệu chứng chàm tay chân, bao gồm ngứa và viêm.
Liệu pháp ánh sáng được đánh giá là phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả cho những bệnh nhân bị chàm ở tay chân. Trong một nghiên cứu, có hơn 90% bệnh nhân báo cáo rằng có kết quả từ tốt đến xuất sắc sau 6 đến 8 tuần điều trị bằng liệu pháp ánh sáng.
Tuy nhiên, một số tác dụng phụ của liệu pháp này là: Tăng sắc tố da, có thể nổi phỏng nước, tăng tốc độ lão hóa của da… Bởi vậy, bạn nên cân nhắc trước khi lựa chọn điều trị chàm bằng liệu pháp này.
Điều trị chàm ở tay chân bằng Đông y
Dưới đây là một số bài thuốc Đông y giúp điều trị chàm ở tay chân:
Đối với chàm nhẹ, người bệnh có thể sử dụng bài thuốc sau:
- Chuẩn bị: 15gr bạch tiểu bì, 9gr hy thiên, 15gr phù bình, 12gr ké đầu ngựa, 12gr hoàng bá.
- Sắc lấy nước thuốc. Uống trong ngày.
Đối với những trường hợp nặng, Đông y điều trị chàm tay chân theo hướng kết hợp uống, bôi và ngâm rửa.
Những người bị thể nga trưởng phong nên áp dụng:
- Bài thuốc uống: Sắc các vị thuốc tỳ giải, xương truật, liên kiều, huyết dụ, hoàng bá, xuyên khung, đương quy, bạch thược, thương nhĩ tử, sinh địa, ích mẫu, kinh giới, cỏ nhọ nồi lấy nước uống. Dùng 1 thang/ngày.
- Bài thuốc bôi ngoài: Nấu cây mỏ quạ thành cao và thoa lên vùng da bị chàm 2 lần/ngày.
- Bài thuốc ngâm rửa: Cho lá móng tay hoặc tô mộc vào nồi nước, sắc đặc. Lấy nước này để ngâm rửa tay và chân hằng ngày.
Đối với thể thấp cước khí (chàm ở chân), nên sử dụng bài thuốc uống được sắc từ thổ phục linh, ké đầu ngựa, ý dĩ, tỳ giải kết hợp với thuốc bôi và ngâm rửa giống như thể nga trưởng phong.
Những người bị chàm ở tay chân thể thấp nhiệt với các triệu chứng sưng trướng, chảy dịch vàng và ngứa dữ dội có thể dùng bài thuốc với các vị: Sao xương truật, bạch tiễn bì, chi tử, xích linh, sinh ý dĩ, ngân hoa, đan bì, xuyên bá phiến, hoài ngưu tất. Sắc uống 1 thang mỗi ngày.
Trị chàm theo Đông y cần sự kiên trì, nhẫn nại. Bởi, Đông y chữa bệnh từ căn nguyên, tập trung giải quyết nguồn gốc gây bệnh, kết hợp với giảm triệu chứng, ngăn tái phát.
Ngoài ra, bạn có thể áp dụng một số mẹo trị chàm tay chân theo phương pháp dân gian:
- Lá trầu không: Vò nát một nắm lá trầu không rồi đun với nước, cho thêm chút muối biển. Chờ nước nguội rồi dùng để ngâm tay và chân. Bạn có thể dùng lá lốt hoặc lá đào theo cách này, cũng mang lại hiệu quả điều trị tốt.
- Muối biển: Rang nóng vài thìa muối biển rồi để nguội, cho vào túi vải. Chườm túi muối lên tay và chân để giảm ngứa. Áp dụng 1 – 2 lần/ngày.
- Gừng tươi: Cắt lát gừng tươi rồi đun sôi với nước. Pha thêm nước lạnh để ngâm tay chân.
Hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa chàm chân tay hiệu quả
Thực hiện một số thay đổi đơn giản trong thói quen sinh hoạt hằng ngày có thể giúp làn da luôn sạch sẽ, thúc đẩy điều trị và ngăn ngừa chàm chân tay tái phát:
Rửa tay chân nhẹ nhàng
Trước khi rửa tay, bạn nên tháo nhẫn ra. Nếu da bên dưới nhẫn bị ướt và ẩm ẩm, chàm có thể bùng phát. Nên sử dụng nước ấm để rửa tay và chân.
Bạn cũng có thể dùng thêm các loại xà phòng dịu nhẹ, không mùi thơm để làm sạch da. Nên tránh xà phòng kháng khuẩn, nước rửa tay khô và xà phòng khử mùi. Chúng có thể khiến chàm tay chân bùng phát.
Thoa kem dưỡng ẩm thường xuyên
Sau khi tắm hoặc rửa tay chân, làn da có thể trở nên khô vì bị mất nước. Bởi vậy, đừng quên thoa kem dưỡng ẩm vào thời điểm này.
Các bác sĩ da liễu thường khuyên bạn nên sử dụng kem chứa dimethicone. Sản phẩm này cho phép da đủ độ ẩm cần thiết mà không bị bí thở. Chúng cũng giúp giảm ngứa và tạo ra một rào cản để bảo vệ da khỏi những thứ có thể gây kích ứng.
Nếu bạn chọn sử dụng một loại kem dưỡng ẩm khác, hãy ưu tiên các sản phẩm:
- Có kết cấu dạng kem, dày
- Không chứa hương thơm tổng hợp
- Tránh kem dưỡng ẩm quá loãng và có thể chảy nước (chứa nhiều nước)
- Có thể sử dụng thường xuyên
Học cách kiểm soát căng thẳng
Một số bệnh nhân phản ánh rằng thực hành các kỹ thuật giảm căng thẳng và điều trị da theo hướng dẫn dường như giúp chàm ở tay và chân nhanh thuyên giảm hơn. Ngược lại, căng thẳng có thể khiến họ bị chàm ở tay chân tái đi tái lại nhiều lần.
Người bệnh có quản lý căng thẳng nhờ một chế độ ăn uống khoa học hoặc ăn trong chánh niệm, tập thể dục thể thao đều đặn, thiền định, tập yoga, nuôi thú cưng…
Tránh trầy xước
Bất cứ điều gì bạn có thể làm để giảm trầy xước da đều có lợi cho điều trị, ngăn ngừa chàm. Ví dụ: Cắt móng tay ngắn và mài nhẵn, không đi giày chật hoặc đeo găng tay bó chặt vào tay, hạn chế gãi…
Một số thói quen khác
Những thay đổi trong lối sống dưới đây cũng có thể giúp điều trị và ngăn ngừa chàm tay chân tái phát hiệu quả:
- Tránh môi trường khô và nóng, hạn chế đổ mồ hôi nhiều.
- Tham vấn bác sĩ da liễu về những yếu tố có thể kích hoạt bị chàm ở tay chân, như dị ứng hoặc kích ứng.
- Tránh những yếu tố gây ra phản ứng dị ứng và kích ứng da.
- Đeo găng tay để bảo vệ da tay, tránh da tiếp xúc với các yếu tố gây hại. Nên đeo găng tay cotton rồi lồng găng tay cao su lên trên trước khi tiếp xúc với chất tẩy rửa, như nước rửa bát, bột giặt…
- Đi tất/vớ chống ẩm nếu bạn bị chàm ở bàn chân
Thay đổi chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống dành riêng khi bị chàm là một chiến lược tốt có thể giúp ích nếu các loại thuốc không theo kịp các đợt chàm bùng phát. Nhiều người tin rằng dị ứng niken hoặc coban có thể gây ra bệnh chàm. Bởi vậy, bạn có thể loại bỏ các thực phẩm có chứa nhiều niken và coban khỏi chế độ ăn mỗi ngày.
Cụ thể:
- Thực phẩm nhiều niken: Cam thảo, yến mạch, trai, các loại đậu, các loại hạt, socola…
- Thực phẩm nhiều coban: Mực, rau chân vịt, bông cải xanh, gan, thận…
Một số người cho rằng bổ sung vitamin A vào chế độ ăn uống có thể giúp ích cho điều trị chàm. Tuy nhiên, hãy tham vấn bác sĩ trước khi thực hiện điều này.
Tóm lại, bệnh chàm ở tay chân thường sẽ khỏi trong một vài tuần mà không để lại biến chứng nguy hiêm. Nếu người bệnh không gãi, tự ý chích rạch mụn nước, bệnh sẽ không để lại sẹo. Mặc dù bị chàm ở tay chân có thể chữa được, nhưng nó cũng có thể tái phát. Bởi vậy, mỗi người nên xây dựng một lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học để ngăn ngừa chàm ở tay chân tái phát.
Thông tin bổ ích:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!