Bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ em: Cách nhận biết và trị bệnh an toàn, hiệu quả
Trẻ em là đối tượng dễ bị viêm da tiếp xúc. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ còn tỏ ra lúng túng khi đối diện với bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ em. Bởi họ gặp nhiều khó khăn trong việc nhận diện và điều trị bệnh sao cho an toàn mà lại hiệu quả. Bệnh tuy không nguy hiểm, nhưng nếu không xử lý đúng cách sẽ khiến trẻ khó chịu, quấy khóc, ảnh hưởng đến việc ăn uống và sinh hoạt hàng ngày.
Viêm da tiếp xúc ở trẻ em là bệnh gì?
Viêm da tiếp xúc ở trẻ em là bệnh lý ngoài da thường gặp. Đó là tình trạng da của trẻ bị kích ứng khi tiếp xúc với một số loại hóa chất hoặc côn trùng, thực vật,… Phản ứng này có thể do dị ứng hoặc không dị ứng.
Làn da của trẻ vốn mỏng manh và nhạy cảm, đồng thời hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện nên bé rất dễ bị kích ứng và gây tổn thương. Đặc biệt, bệnh có thể chuyển sang giai đoạn mãn tính, từ đó gây ra nhiều phiền toái, khó chịu nếu không được ngăn chặn kịp thời.
Bệnh viêm da tiếp xúc thường khởi phát ngay tại vùng da tiếp xúc với dị nguyên, gây cảm giác đau rát, ngứa ngáy. Bệnh nặng có thể ảnh hưởng xấu đến thẩm mỹ và để lại sẹo trên da.
Nguyên nhân gây bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ
Cũng giống như ở những đối tượng khác, bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ em có thể kích hoạt do sự tiếp xúc với hai nhóm chất là:
- Nhóm gây kích ứng: Bao gồm các loại hóa chất và những thành phần có trong tác nhân gây kích ứng. Nhóm này khiến da bị tổn thương trực tiếp chứ không thông qua các phản ứng dị ứng.
- Nhóm gây dị ứng: Nhóm này cũng bao gồm các loại hóa chất và những thành phần có trong tác nhân gây viêm da tiếp xúc dị ứng ở trẻ em. Tuy nhiên, các yếu tố này gây tổn thương da thông qua hoạt động phóng thích Histamin và giải phóng kháng thể IgE vào vùng da tiếp xúc.
Trong đó, nhóm kích ứng chiếm đến 80%, còn nhóm dị ứng chỉ chiếm khoảng 20% nguyên nhân gây bệnh. Với các tác nhân cụ thể gây bệnh bao gồm:
- Đồ chơi làm bằng cao su.
- Bị viêm da tiếp xúc do côn trùng.
- Núm ti giả.
- Ma sát giữa da với quần áo, tã và giày dép.
- Sử dụng thuốc kháng sinh, giảm đau, hạ sốt.
- Hóa chất, nước xả vải, bột giặt, mỹ phẩm, dung môi công nghiệp,…
- Nấm mốc.
- Phấn hoa.
- Kim loại như niken, bạc, inox, sắt,…
- Ánh nắng mặt trời.
Ngoài nguyên nhân do tiếp xúc, bệnh có thể xuất hiện ở trẻ bởi một số yếu tố khác (ít gặp) như:
- Yếu tố di truyền: Nếu bố hoặc mẹ mắc các bệnh lý liên quan tới cơ địa thì khả năng trẻ bị mắc bệnh này cũng sẽ cao hơn.
- Do cơ địa: Trẻ sẽ có nguy cơ cao bị viêm da tiếp xúc nếu cũng mắc một trong các bệnh liên quan tới cơ địa như: Viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm da cơ địa, bệnh chàm,…
- Vấn đề giới tính: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các bé gái có nguy cơ bị viêm da tiếp xúc cao hơn so với các bé trai.
- Trẻ sinh non: Trẻ sinh thiếu tháng thường có sức đề kháng yếu và cơ địa nhạy cảm hơn nên dễ bị kích thích bởi các yếu tố từ môi trường.
Dấu hiệu nhận biết viêm da tiếp xúc ở trẻ em
Trẻ nhỏ thường có làn da mỏng và nhạy cảm nên những tổn thương trên da rất dễ lan rộng. Tùy vào loại tác nhân gây bệnh, độ tuổi của trẻ mà những triệu chứng có thể khác nhau.
Bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ sơ sinh thường ảnh hưởng đến da mặt, da đầu, khuỷu tay và đầu gối. Đối với những trẻ lớn hơn, các tổn thương thường xảy ra ở bàn tay, cổ tay, mặt trong khuỷu tay, hai bên cổ, xung quanh miệng, đầu gối.
Bạn có thể nhận biết bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ em dựa vào các biểu hiện cụ thể sau:
- Một vùng da của trẻ xuất hiện các ban đỏ có hình tròn hoặc dài với kích thước có thể đồng nhất hoặc không.
- Tại vùng da tổn thương dấu hiệu phù nề.
- Khoảng vài giờ sau, các ban đỏ có xu hướng xuất hiện bọng nước hoặc mụn nước.
- Trẻ cảm thấy nóng rát kèm theo ngứa ngáy và đau nhức.
- Cảm giác đau nhức, bứt rứt có thể khiến trẻ quấy khóc và chà xát lên vùng da bị viêm.
- Sau khoảng vài ngày, các nốt bọng nước có xu hướng tự vỡ, sau đó hình thành vảy.
Tuy nhiên, một số bệnh da liễu có thể có các dấu hiệu giống nhau. Vì vậy, để được chẩn đoán chính xác bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ em, cha mẹ hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa và có biện pháp điều trị hợp lý.
Việc chủ quan, không có hướng xử lý kịp thời, đúng cách có thể dẫn đến bội nhiễm da, ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ và sức khỏe của bé.
Bệnh viêm da tiếp xúc ảnh hưởng đến trẻ như thế nào? Có nguy hiểm không?
Các bác sĩ da liễu cho biết, viêm da tiếp xúc ở trẻ em không phải là bệnh lý nguy hiểm, thường có mức độ nhẹ và đáp ứng tốt với biện pháp điều trị thích hợp. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể dẫn đến nguy hiểm nếu cha mẹ chủ quan, không biết cách chăm sóc và điều trị đúng hướng.
Những ảnh hưởng thường gặp của bệnh viêm da tiếp xúc đến trẻ bao gồm:
- Trẻ quấy khóc, khó chịu: Cảm giác ngứa ngáy, đau nhức tại vùng da bị viêm sẽ khiến trẻ bứt rứt, khó chịu không yên và dễ dẫn đến quấy khóc.
- Chán ăn, sụt cân: Những khó chịu nêu trên sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ, sức khỏe, khiến trẻ chán ăn, sụt cân và cơ thể bị suy nhược.
Không những vậy, trẻ còn có thể gặp phải một số biến chứng khác như:
- Viêm da tiếp xúc bội nhiễm: Đây là biến chứng thường gặp nếu trẻ thường xuyên chà xát, cào gãi lên vùng da bị viêm. Viêm da tiếp xúc bội nhiễm không chỉ khiến da bị tổn thương nặng, dễ để lại sẹo vĩnh viễn mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
- Hoại tử da: Biến chứng này xảy ra khi viêm da tiếp xúc bội nhiễm không được điều trị kịp thời. Hoại tử da là biến chứng nặng nề nhất của bệnh.
Chẩn đoán bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ em
Do những biểu hiện bên ngoài khá giống nhau nên nhiều cha mẹ thường nhầm lẫn bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ em với bệnh zona thần kinh, dẫn đến việc xử lý và điều trị chưa phù hợp.
Để chẩn đoán bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ em, trước tiên, bạn cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng. Thông qua tình trạng tổn thương da điển hình, kèm theo đó là sự xuất hiện của mụn nước hoặc bọng nước. Cha mẹ cũng cần chú ý xem trẻ có cảm giác ngứa, bỏng rát và đau ở vùng da tổn thương hay không.
Với bệnh zona thần kinh, tổn thương da thường tập trung hoặc rải rác dọc theo các dây thần kinh. Đồng thời, tình trạng đau rát ở bệnh zona cũng nặng nề hơn so với viêm da tiếp xúc.
Ngoài ra, nếu trẻ không có những dấu hiệu điển hình, bạn nên cho trẻ đến các cơ sở chuyên khoa để làm xét nghiệm và được chẩn đoán chính xác. Các bác sĩ cũng sẽ khai thác tiền sử dị ứng, về các bệnh đã và đang mắc phải của trẻ để có phương án điều trị phù hợp.
Hướng dẫn cách chăm sóc và điều trị bệnh an toàn
Bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ em cần được cha mẹ quan tâm, chăm sóc và có biện pháp điều trị kịp thời để tránh những ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Bạn hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán bệnh chính xác và tư vấn hướng điều trị phù hợp.
Dưới đây là những biện pháp trị bệnh an toàn được các bác sĩ khuyến cáo:
1. Chữa viêm da tiếp xúc ở trẻ em tại nhà
Việc dùng thuốc không được khuyến khích với bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ em khi ở mức độ nhẹ. Bởi thuốc có thể khiến trẻ gặp phải một số tác dụng phụ trong quá trình sử dụng. Do đó, việc chăm sóc và điều trị đúng cách tại nhà có vai trò rất quan trọng, giúp bệnh nhanh chóng được cải thiện.
Chữa viêm da tiếp xúc ở trẻ em tại nhà bằng mẹo dân gian
Tắm cho trẻ bằng nước lá mát là biện pháp thường được các mẹ áp dụng để khắc phục bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ em. Biện pháp này giúp làm sạch da và loại bỏ tác nhân gây bệnh một cách hiệu quả, an toàn.
- Tắm nước lá khế: Bạn lấy một nắm lá khế đem rửa sạch rồi ngâm trong nước muối pha loãng để loại bỏ vi khuẩn. Sau đó cho lá khế vào nồi đun sôi cùng 2 lít nước trong khoảng 15 phút. Đem nước này pha với nước sạch ở độ ấm vừa phải rồi tắm cho trẻ. Thực hiện khoảng 2 – 3 lần/tuần để cải thiện tình trạng viêm da tiếp xúc ở trẻ em.
- Tắm nước lá sài đất: Bạn lấy khoảng 100g cây sài đất tươi. Sau đó đem rửa sạch và ngâm nước muối loãng. Cho cây sài đất vào nồi đun sôi cùng 2 lít nước. Đến khi nước có màu vàng thì tắt bếp. Sau đó tắm cho trẻ khi nước đã nguội bớt và còn hơi ấm. Áp dụng 1 lần/ngày sẽ thấy hiệu quả rõ rệt.
Bên cạnh việc tắm nước lá mát, cha mẹ cũng có thể làm giảm triệu chứng viêm da tiếp xúc cho bé bằng cách áp dụng các mẹo dân gian sau:
- Dùng tỏi trị viêm da tiếp xúc ở trẻ em: Tỏi là gia vị nấu ăn quen thuộc trong căn bếp của mọi nhà. Bên cạnh đó, tỏi còn có hiệu quả trong việc chữa trị một số bệnh lý về da, đặc biệt là viêm da tiếp xúc. Cách làm rất đơn giản, bạn chỉ cần lấy tỏi ngâm với rượu. Sau đó, dùng rượu tỏi chấm lên vùng da bị tổn thương sẽ giúp giảm nhanh các mẩn đỏ, giảm ngứa và tránh vết thương lan rộng ra toàn cơ thể.
- Chữa viêm da tiếp xúc ở trẻ em bằng lá ổi: Lá ổi có khả năng giúp thanh nhiệt, giải độc rất tốt. Đây là loại lá quen thuộc, bắt gặp ở nhiều nơi nên bạn có thể dễ dàng sử dụng. Bài thuốc này được thực hiện đơn giản như sau: Lấy 5 – 7 lá ổi tươi, rửa sạch, để ráo nước sau đó giã nát để lọc lấy nước lá ổi nguyên chất. Dùng khăn vải mềm thấm nước lá ổi thoa nhẹ lên vùng da bị viêm, thực hiện liên tục nhiều ngày, triệu chứng bệnh sẽ dần thuyên giảm.
Chăm sóc trẻ đúng cách tại nhà
Ngoài việc tắm cho trẻ bằng nước lá, cha mẹ cũng cần lưu ý:
- Thoa kem dưỡng ẩm: Kem dưỡng ẩm sẽ giúp làm dịu da và giảm mức độ viêm của da. Bên cạnh đó còn giúp làn da của trẻ được tăng cường sức đề kháng và tăng kha khả năng phục hồi. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý đến thành phần khi lựa chọn kem dưỡng ẩm cho bé. Ưu tiên những loại kem có chứa các thành phần như kẽm, Glycerin, Aloe vera, Oat extract…
- Loại bỏ tác nhân gây bệnh: Ngừng sử dụng hoặc tiếp xúc với bất kỳ sản phẩm/yếu tố nào mà bạn nghi ngờ là tác nhân gây bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ em.
- Cho trẻ uống nhiều nước: Bổ sung nước đầy đủ không chỉ giúp cấp ẩm cho làn da mà còn điều hòa hệ miễn dịch. Cha mẹ có thể bổ sung bằng nước lọc hoặc nước ép trái cây cho trẻ. Đối với trẻ sơ sinh có thể tích cực cho bé bú mẹ nhiều hơn.
- Mặc quần áo thoáng mát, thấm hút tốt: Mức độ viêm trên da có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu mồ hôi ra nhiều và có sự ma sát. Bởi vậy, với tình trạng viêm da tiếp xúc ở trẻ em, cha mẹ nên cho bé mặc quần áo thoáng mát và thấm hút tốt để bảo vệ làn da bé một cách tốt nhất.
- Có chế độ ăn uống phù hợp: Đối với bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ em nói riêng và các bệnh da liễu nói chung, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi của làn da. Vì vậy, cha mẹ cần tăng cường cho trẻ những thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, hạn chế hải sản, đậu nành, đậu phộng, sữa bò, thịt bò…
- Không để trẻ cào gãi gây xước da: Việc cào gãi, chà xát lên da có thể khiến các nốt bọng nước bị vỡ, xây xát da. Từ đó làm tăng nguy cơ dẫn đến bội nhiễm và những biến chứng nguy hiểm khác.
- Tránh ánh nắng mặt trời và các tác nhân từ môi trường: Với bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ em, cha mẹ nên hạn chế cho trẻ ra ngoài chơi. Nếu ra ngoài, cần thoa kem chống nắng, cho trẻ mặc áo khoác để tránh ánh nắng mặt trời.
2. Sử dụng thuốc trị viêm da tiếp xúc ở trẻ em theo chỉ định
Nếu bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ em có dấu hiệu nặng hơn, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số loại thuốc để tăng khả năng phục hồi và kiểm soát các triệu chứng của viêm da. Những loại thuốc điển hình như:
Thuốc bôi ngoài da:
- Hồ nước: Đây là loại dung dịch quen thuộc, được sử dụng nhiều với một số bệnh ngoài da, trong đó có viêm da tiếp xúc ở trẻ em. Hồ nước có tác dụng làm sạch da, sát khuẩn nhẹ và ngăn ngừa tình trạng bội nhiễm.
- Thuốc tím: Thuốc tím được dùng để thoa lên vị trí thương tổn khi da có dấu hiệu viêm nhiễm. Bạn cũng có thể pha nước tắm của bé để giảm ngứa và sát trùng.
- Thuốc bôi chứa corticoid: Có tác dụng ức chế miễn dịch nhằm chống dị ứng kháng viêm mạnh. Lưu ý: Nhóm thuốc này chỉ được dùng với những trẻ từ 12 tuổi trở lên và theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Dùng thuốc uống khi cần thiết:
- Thuốc giảm đau: Trong trường hợp viêm nhiễm, trẻ có thể bị đau nhức, sốt. Vì vậy, bác sĩ sẽ kê thuốc Paracetamol có tác dụng giảm đau, hạ sốt. Có thể dùng cho trẻ trên 2 tuổi.
- Thuốc kháng sinh: Được sử dụng khi da có dấu hiệu viêm nhiễm nặng. Tuy nhiên, để tránh những tác dụng phụ và rủi ro, cha mẹ chỉ nên cho trẻ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Thuốc kháng histamin H1: Loại thuốc này được bào chế ở dạng uống, khá an toàn với trẻ nhỏ. Thuốc có tác dụng giảm sưng viêm, giảm ngứa và ngăn ngừa tổn thương da lan rộng.
3. Chữa viêm da tiếp xúc ở trẻ em bằng Đông y
Hiện nay có rất nhiều bài thuốc chữa viêm da tiếp xúc ở trẻ em có nguồn gốc từ Đông y an toàn và mang lại hiệu quả tốt. Phương pháp này áp dụng theo nguyên lý tác động vào căn nguyên gây bệnh, loại bỏ yếu tố gây bệnh từ bên trong cơ thể. Kết hợp cùng nguyên liệu sử dụng đều là dược liệu, cây lá, vì vậy phương pháp Đông y được đánh giá là an toàn, hiệu quả cho trẻ em.
Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là thuốc Đông y khá khó uống, mất nhiều thời gian đun sắc, chuẩn bị và thời gian phát huy tác dụng chậm. Vì vậy, đòi hỏi các bậc phụ huynh phải kiên trì cho bé uống thuốc trong một khoảng thời gian dài.
Dưới đây là một số bài thuốc chữa viêm da tiếp xúc ở trẻ em dễ thực hiện mà cha mẹ có thể tham khảo:
- Bài thuốc trị bệnh thể phong nhiệt: Sử dụng bài thuốc Ngân kiều tán gia giảm với thành phần dược liệu gồm: kinh giới 4 – 6g, kim ngân hoa 8 – 12g, ngưu bàng 8 – 12g, đậu cổ 8 – 12g, cam thảo 5g, liên kiều 8 – 12g, lá tre 6 – 8g, cát cánh 6 – 12g, bạc hà 6 – 10g, mộc thông 10g, bạch truật 8g. Đem thuốc sắc lửa nhỏ rồi chắt lấy nước thuốc cho bé uống 3 lần trong ngày, mỗi ngày 1 thang thuốc.
- Bài thuốc trị viêm da tiếp xúc thể huyết nhiệt: Dùng bài thuốc Thanh ôn Bại độc ẩm gia giảm, liều lượng gồm: Tê giác 2 – 4g, huyền sâm 8 – 16g, thạch cao 40 – 80g, cát cánh 8 – 12g, đan bì 8-12g, sơn chi 8 – 16g, tri mẫu 8 – 12g, sinh địa 16 – 20g, cam thảo 4 – 8g, Hoàng cầm 8 – 12g, hoàng liên 4 – 12g, liên kiều 8 – 12g, trúc diệp 8 – 12g. Thuốc đem sắc nhỏ lửa, chắt lấy nước thuốc để nguội rồi cho bé uống 3 lần trong ngày, mỗi ngày 1 thang.
Lưu ý: Dùng thuốc không đúng cách có thể dẫn đến một số tác dụng phụ lên sức khỏe bé. Để đảm bảo sử dụng đúng bài thuốc, liều lượng dược liệu hợp lý, cha mẹ nên đưa bé đi khám tại những cơ sở khám chữa bệnh Đông y uy tín, được Sở Y tế cấp phép hoạt động đầy đủ.
Cách phòng bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ em
Trẻ em là đối tượng rất dễ mắc những bệnh lý ngoài da, đặc biệt là viêm da tiếp xúc. Cho dù đã từng mắc bệnh viêm da tiếp xúc, nhưng sau đó trẻ hoàn toàn có thể bị lại. Vì vậy, cha mẹ hãy chủ động phòng tránh cho trẻ bằng những biện pháp sau:
- Hạn chế cho trẻ vui chơi ở những nơi có nhiều cây cỏ và vào những ngày thời tiết ẩm.
- Thường xuyên nhắc nhở, dặn dò trẻ không được chạm vào các loại côn trùng, hóa chất và nhựa cây.
- Với trẻ nhỏ, bạn nên thay tã thường xuyên, mặc quần áo thoáng mát và thấm hút tốt.
- Chú ý kiểm tra quần áo và các vật dụng trước khi mặc cho trẻ.
- Khi trẻ ngủ, bạn hãy tắt đèn và buông màn để tránh côn trùng xâm nhập.
- Nên quan tâm tới thành phần có trong các loại kem dưỡng, dung dịch làm sạch trước khi dùng cho trẻ để tránh kích ứng.
- Giữ nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, phun xịt côn trùng theo định kỳ, để loại bỏ nấm mốc, vi khuẩn và một số loại côn trùng khác.
Viêm da tiếp xúc ở trẻ em là bệnh lý ngoài da thường gặp nhưng chúng có thể trở nên nguy hiểm nếu cha mẹ chủ quan và không có biện pháp xử lý tốt. Vì vậy, hãy nắm vững thông tin về bệnh cùng những biện pháp điều trị và tham khảo ý kiến bác sĩ để bảo vệ sự an toàn và sức khỏe của trẻ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!