Đẳng sâm có tác dụng gì? Cách dùng và lưu ý khi sử dụng
Đẳng sâm hay còn được gọi là đảng sâm – một loại dược liệu nổi tiếng mang nhiều công dụng chữa bệnh hiệu quả. Điển hình trong số đó phải kể đến như phục hồi sức khỏe, mát gan, đào thải độc tố, ngăn ngừa ung thư,… Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những thông tin hữu ích về thảo dược này trong bài viết dưới đây.
Những điều cần biết về cây đẳng sâm
Đẳng sâm là một trong những loài thực vật mọc dại, xuất hiện nhiều ở Việt Nam. Một số thông tin về loài cây này như sau:
- Tên gọi khác: đảng sâm bắc, đẳng sâm nam, lộ đảng, điều đảng sâm, bạch đảng sâm, tây đảng sâm, đông đảng sâm, cây mần cáy, lầy cáy.
- Tên khoa học: Codonopsis pilosula
- Họ: Hoa chuông (có tên khoa học là Campanulaceae)
Đặc điểm thực vật
Cây thuốc đảng sâm xuất hiện nhiều trong tự nhiên. Bạn có thể dễ dàng nhận biết được chúng nhờ những đặc điểm nổi bật dưới đây:
- Thuộc loài cây thân thảo, mềm, mọc thành từng đám và thường bò trườn dưới mặt đất hoặc leo lên các cây thân gỗ.
- Thân cây nhỏ, có màu tím đặc trưng, được bao phủ bởi lớp lông tơ trắng nhưng thưa, ngắn, phần ngọn không có lông.
- Lá đẳng sâm mọc đối xứng, giống hình trái tim, nhọn về phía đuôi lá. Mỗi phiến lá có chiều dài từ 3 – 8cm, chiều rộng khoảng 2 – 4cm, có màu xanh vàng và hai mặt lá phủ kín bởi lớp lông trắng mịn.
- Hoa mọc đơn lẻ, xuất hiện từ các nách lá, có màu xanh nhạt và chuyển dần sang màu vàng khi tàn. Phần đài hoa giống như chiếc chuông.
- Quả đảng sâm có màu xanh, hình chùy với kích thước rơi vào khoảng 1 – 2cm. Khi chín chúng chuyển màu xanh đậm, nứt ra để lộ những hạt màu nâu, nhẵn bóng.
Khu vực phân bố chủ yếu
Đẳng sâm mọc dại ở nhiều nơi, ưa khí hậu lạnh và phát triển mạnh. Chúng phân bố nhiều ở Triều Tiên và các vùng của Trung Quốc như: Tứ Xuyên, Sơn Tây, Cam Túc, Vân Nam,…
Tại Việt Nam, người ta tìm thấy cây đẳng sâm xuất hiện nhiều nhất ở các vùng núi phía Bắc gồm Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Lạng Sơn,… và các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên như Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng,… Đẳng sâm Việt Nam cũng mang lại nhiều công dụng không thua kém gì so với dược liệu từ Trung Quốc.
Thu hái và bào chế
Thời điểm thích hợp nhất để thu hoạch đẳng sâm thường vào mùa đông khi phần lá đã úa vàng, rụng gần hết. Hoặc bạn cũng có thể lấy thảo dược vào đầu mùa xuân khi lá cây chưa phát triển.
Bộ phận được sử dụng trong các bài thuốc là củ đẳng sâm. Phần củ của cây mọc sâu dưới lòng đất, có thể dài từ 70 – 100cm. Vì thế, khi khai thác cần đào sâu để thu hoạch được toàn bộ và tránh làm đứt gãy rễ củ cây.
Sau khi lấy về, đem thảo dược rửa sạch, loại bỏ hết phần đất, cát, phân thành 2 loại nhỏ và to. Đồng thời, ngâm chúng trong nước muối loãng 1 đêm để rễ cây mềm ra, thuận tiện khi bào chế. Hiện nay, có 2 cách bào chế đẳng sâm phổ biến gồm:
- Sao khô: Thảo dược cắt thành từng lát mỏng khoảng 1 – 2mm rồi ngâm trong nước, bỏ thêm vài lát gừng tươi. Sau đó, sao khô đến khi chuyển màu vàng thì bỏ ra để nguội.
- Phơi khô: Bạn để toàn bộ phần rễ, phơi tại nơi râm mát, nhiều gió đến khi khô và để nơi khô ráo dùng dần. Mỗi lần dùng thì cắt lấy một phần, lăn se rồi thái lát sau đó đem sao với cát hoặc hoàng thổ.
Hoàn thành công đoạn bào chế, bạn cần bảo quản thảo dược trong lọ kín hoặc túi nilon dày dặn để nơi khô ráo, thoáng mát để tránh nấm mốc và côn trùng làm hư hại.
Sử dụng đẳng sâm có tác dụng gì cho sức khỏe?
Củ đẳng sâm là vị thuốc được sử dụng phổ biến trong cả y học cổ truyền và y học hiện đại bởi những công dụng chữa bệnh thần kỳ.
Theo y học cổ truyền
Tác dụng của đẳng sâm được ghi chép nhiều trong các tài liệu Đông y. Theo đó, vị thuốc này có tính mát, vị ngọt quy vào các kinh Phế, Tỳ. Đồng thời, chúng có tác dụng chủ trị các chứng:
- Cân bằng tỳ vị, bổ trung, sinh tân chỉ khát, bổ phế, lợi khí.
- Trị phế hư, suy nhược cơ thể, khí huyết hư, thoát giang.
- Điều trị bệnh bạch huyết, suy tạng, bổ huyết, hen suyễn, hư lao, băng huyết,…
Theo y học hiện đại
Không chỉ còn là lời đồn thổi trong dân gian, những công dụng của đẳng sâm đã được các nhà khoa học chứng minh rõ ràng. Kết quả các nghiên cứu chỉ ra nhiều hợp chất quý có trong thảo dược này. Nổi bật phải kể đến các hợp chất như: inulin, glucose, alkaloid, fructose, mannose, xylose, choline,… cùng nhiều axit hữu cơ thiết yếu cho cơ thể.
Cùng với đó, các nhà khoa học cũng chỉ ra các tác dụng đẳng sâm với sức khoẻ con người như sau:
- Chống suy nhược cơ thể, tăng cường sức khỏe và khả năng thích nghi khi thời tiết hoặc môi trường sống thay đổi.
- Tiêu diệt vi khuẩn Hp giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày, ngăn ngừa và điều trị các bệnh về dạ dày.
- Tăng cường khả năng co bóp của tim, đẩy mạnh lưu lượng máu đến các chi, não bộ và nhiều cơ quan khác, tốt cho người thường xuyên bị hạ huyết áp.
- Loại trừ các tế bào, cholesterol xấu trong máu, sản sinh hồng cầu và cân bằng đường huyết.
- Tăng sức đề kháng cho cơ thể, kháng khuẩn, virus và những tác nhân gây bệnh khác.
- Trị ho, hen suyễn, viêm phế quản, giúp long đờm.
- Chiết xuất từ đẳng sâm giúp kháng lại nhiều virus, vi khuẩn gây hại như trực khuẩn lao, bạch hầu, não mô cầu, tụ cầu khuẩn vàng,…
- Giảm lượng mỡ trong máu, ngăn ngừa và điều trị xơ vữa động mạch vành, bảo vệ hệ tuần hoàn tốt hơn.
- Phòng ngừa bệnh tim, các cơn đột quỵ, đau tim và ngăn các biến chứng của nó gây ra.
- Thúc đẩy chức năng hệ tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng hơn.
Những cách dùng đẳng sâm hiệu quả nhất
Đẳng sâm nổi tiếng là một vị thảo dược tốt cho sức khỏe và khá giống với nhân sâm. Trong nhiều trường hợp, cách sử dụng thảo dược này tương tự và thay thế được cho nhân sâm. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu đến bạn những cách dùng đẳng đẳng sâm mang đến hiệu quả nhất.
Sử dụng làm nguyên liệu cho món ăn
Không chỉ mang đến tác dụng chữa bệnh, các món ăn từ đẳng sâm dược liệu còn rất giàu giá trị dinh dưỡng. Do khá dễ ăn và chế biến, đẳng sâm rừng có thể nấu cùng nhiều món như tim cật hầm, gà ác, thịt bò hầm, yến chưng cùng kỷ tử, xào cùng với hải sâm, cháo đảng sâm cùng ý dĩ, phục linh, canh cá trạch.
Về cách thực hiện, công thức nấu các món trên vẫn không có gì thay đổi, bạn chỉ cần rửa sạch đẳng sâm, không cạo vỏ rồi cho vào cùng với những nguyên liệu khác, đun kỹ.
Cách ngâm rượu đẳng sâm đúng chuẩn
Giống như các dược liệu khác, đẳng sâm cũng có thể ngâm rượu để sử dụng trong thời gian dài. Cách thức thực hiện như sau:
- Chuẩn bị nguyên liệu: Đẳng sâm khô hoặc tươi cùng rượu trắng 40 – 42 độ theo tỷ lệ cứ 1kg dược liệu tươi (100gr khô) thì cần 3 lít rượu trắng.
- Bỏ đẳng sâm trong bình, đổ thêm một ít rượu trắng, lắc đều và ngâm trong khoảng 5 phút thì đổ bỏ phần rượu này. Sau đó, đổ phần rượu trắng đã chuẩn bị vào bình, đậy nắp thật kín, không để lọt không khí vào.
- Ủ rượu trong khoảng 30 – 40 ngày là bạn có thể mang ra sử dụng. Để mang lại chất lượng tốt nhất, bạn nên bảo quản bình rượu hồng đẳng sâm nơi thoáng mát, ở nhiệt độ phòng khoảng 25 – 30 độ C.
Mỗi ngày chỉ dùng 1 – 2 chén nhỏ (khoảng 30ml) để bồi bổ cơ thể, tránh lạm dụng. Nếu bạn sử dụng quá nhiều sẽ không còn tác dụng mà còn gây hại cho gan, dạ dày. Đồng thời, trẻ em dưới 14 tuổi tốt nhất không nên sử dụng rượu để tránh những hệ lụy không đáng có.
Bài thuốc chống suy nhược cơ thể, bổ thận, chữa đau mỏi khớp
Những người ốm lâu ngày, cơ thể mệt mỏi hay thận yếu, bí tiểu, nhức mỏi các khớp có thể sử dụng bài thuốc sau đây:
- Nguyên liệu bao gồm: đẳng sâm 20gr, tắc kè 6gr, trần bì, huyết giác mỗi vị 1gr, 0,5gr tiểu hồi cùng 250ml rượu 40 độ.
- Sơ chế sạch các nguyên liệu rồi cắt nhỏ thành từng khúc. Xếp dược liệu vào bình cùng với rượu trắng và có thể thêm một ít đường, đậy nắp kín.
Sau một tháng, rượu đã đủ ngấm là bạn có thể sử dụng. Mỗi ngày dùng 1-2 lần với tổng liều lượng khoảng 30ml và nên sử dụng hàng ngày để mang lại chất lượng tốt nhất.
Bài thuốc trị tiêu chảy, ăn không ngon miệng
- Cần chuẩn bị đảng sâm 20gr, bạch truật sao, đương quy, ba kích mỗi vị thuốc 12gr.
- Sắc cùng với 500ml nước đến khi cô cạn thì chắt lấy nước uống. Hoặc bạn cũng có thể mang tán tất cả các nguyên liệu thành bột mịn, vo viên để uống hàng ngày.
Sau khoảng 1 tuần sử dụng, bạn sẽ thấy có những dấu hiệu bệnh chuyển biến tích cực.
Bài thuốc bồi bổ sức khỏe cho người già, ốm lâu ngày
Với những nguyên liệu đơn giản dưới đây, bạn có thể chế biến thành bài thuốc bồi bổ rất tốt cho sức khỏe, cải thiện chức năng tiêu hóa cho người già, ốm lâu ngày.
- Nguyên liệu bao gồm: đẳng sâm 40gr cùng long nhãn, đương quy, mạch môn, ngưu tất mỗi loại 12gr cùng 4-8gr nhân sâm nếu có.
- Đem sắc cùng với 600ml nước, loại bỏ bã lấy phần nước uống trong ngày.
Bạn có thể chia thành 1 – 2 lần uống trong ngày và sử dụng đều đặn hàng ngày để mang đến hiệu quả tốt nhất.
Bài thuốc rối loạn tiêu hóa, đi ngoài
- Dùng 12 – 16gr đảng sâm khô, rửa sạch.
- Sắc kỹ cùng với nước tinh khiết rồi chắt lấy nước uống.
Mỗi ngày bạn nên uống 2 lần sau khi ăn no và dùng khi nước thuốc còn ấm. Nếu đối tượng là trẻ nhỏ thì bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng, tuyệt đối không tự ý thêm bớt liều lượng tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Bài thuốc đảng sâm nang cải thiện chức năng sinh lý, tỳ yếu
Với bài thuốc này, công thức thực hiện như sau:
- Nguyên liệu bao gồm: đẳng sâm, thục địa mỗi vị 375gr và tá dược vừa đủ.
- Đem tán thành bột mịn sau đó vo hoàn thành các viên nhỏ để sử dụng.
Mỗi ngày, bạn uống 3 lần/ngày, mỗi lần 40 viên. Đối với trẻ em thì dùng với liều lượng ít hơn là 2 lần/ngày, mỗi lần 20 viên. Khi uống, bạn nên sử dụng nước ấm để đạt hiệu quả tốt nhất.
Bài thuốc chữa ho, viêm phế quản
Bài thuốc này có hiệu quả đối với người bị ho, lao, hen suyễn, viêm phế quản lâu ngày. Dưới đây là các bước thực hiện:
- Chuẩn bị nguyên liệu gồm: củ đẳng sâm, ý dĩ, hoàn sơn mỗi loại 16gr, bạch truật sao 12gr, trần bì, bán hạ chế mỗi loại 8gr và xuyên tiêu 6gr.
- Mang tất cả nguyên liệu sắc kỹ với nước sạch rồi chắt lấy nước uống trong ngày.
Bạn nên sử dụng bài thuốc Snày đều đặn và mỗi ngày dùng 1 lần. Thời điểm tốt nhất để dễ hấp thụ các dưỡng chất trong thuốc là buổi sáng sau khi ăn no 30 phút.
Cách làm đẳng sâm ngâm mật ong
Với cách làm này, bạn có thể sử dụng đẳng sâm tươi hoặc khô đều mang đến công dụng như nhau.
- Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị đảng sâm cùng một lượng mật ong vừa đủ.
- Tẩm đều thảo dược cùng với mật ong sau đó bỏ vào hũ, đậy kín nắp và ủ từ 1 – 3 ngày là có thể sử dụng.
Để đạt được hiệu quả tốt nhất, bạn nên dùng đều đặn mỗi ngày, trước bữa ăn khoảng 30 phút rất tốt cho dạ dày và đường tiêu hóa.
Những lưu ý khi sử dụng dược liệu đẳng sâm
Tuy đẳng sâm rất dễ sử dụng, không chứa độc tố nhưng bạn cũng cần phải chú ý những điều dưới đây để có liệu trình điều trị an toàn, hiệu quả.
- Không nên nấu đẳng sâm cùng củ cải, hải sản, lê lô và uống trà đặc khi sử dụng cùng các món ăn chế biến từ dược liệu này.
- Theo các chuyên gia, những đối tượng không nên sử dụng gồm: phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú, trẻ em dưới 1 tuổi, người bị khí trệ, hỏa vượng hay bị dị ứng với bất cứ thành phần nào có trong thảo dược và trong các bài thuốc.
- Nên sử dụng đúng liều lượng, không nên tự ý thêm bất cứ dược liệu nào vào bài thuốc.
- Trong quá trình sử dụng nếu thấy có dấu hiệu bất thường cần ngưng sử dụng thuốc ngay lập tức và đến các cơ sở y tế để kiểm tra.
- Kiên trì sử dụng, không ngắt quãng sẽ thấy được những dấu hiệu bệnh chuyển biến tích cực.
Trên đây là những chia sẻ chi tiết nhất về đẳng sâm cũng như các tác dụng, cách sử dụng và những lưu ý khi dùng thảo dược này. Đừng quên theo dõi những bài viết tiếp theo của chúng tôi để biết thêm nhiều dược liệu quý.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!