Thuốc Aerius: Thành phần, công dụng, cách dùng và tất cả những thông tin bạn cần biết
Aerius là loại thuốc thường dùng để điều trị tình trạng dị ứng như viêm mũi dị ứng hoặc dị ứng mề đay ở da,… Tuy nhiên, trước khi dùng thuốc, người bệnh cần nắm rõ các thông tin về thành phần, công dụng, cách dùng, liều lượng và những lưu ý trong quá trình sử dụng để tránh những ảnh hưởng không mong muốn có thể xảy ra.
Aerius là thuốc gì?
Aerius là thuốc thuộc nhóm chống dị ứng, thường được sử dụng trong việc điều trị chứng dị ứng ngoài da hoặc viêm mũi dị ứng. Thuốc Aerius có thể sử dụng cho nhiều đối tượng, bao gồm cả người lớn, trẻ em và trẻ sơ sinh. Hiện nay, loại thuốc này được sử dụng khá phổ biến tại các bệnh viện trên toàn quốc.
Thuốc Aerius được nghiên cứu và sản xuất bởi công ty Schering-Plough Labo N.V. Chế phẩm được phát triển và sản xuất theo dây chuyền hiện đại tiên tiến của Bỉ và đạt tiêu chuẩn GMP- WHO. Theo đó, công ty Merck Sharp & Dohme (Asia) Ltd là đơn vị được đăng ký và chịu trách nhiệm về chất lượng của thuốc. Hiện nay, Aerius đã được nhập khẩu và phân phối rộng rãi tại thị trường Việt Nam.
Thành phần, hàm lượng và dạng bào chế
Aerius có thành phần chính là desloratadine với hàm lượng 5 mg. Ngoài ra, thành phần thuốc còn có các loại tá dược vừa đủ: Cellulose vi tinh thể, manganit, magie stearate, tinh bột, pregelatinized, titanium dioxide (E171), indigo carmine aluminum lake (E132) và macrogol 6000.
Thuốc có 2 dạng bào chế, bao gồm:
- Aerius dạng siro với hàm lượng là 0,5mg/ml.
- Dạng viên nén bao phim với hàm lượng là 5mg.
Quy cách đóng gói thuốc: Mỗi hộp Aerius sẽ gồm 1 vỉ chứa 10 viên nén bao phim. Còn dạng siro thì được đựng trong chai thủy tinh với hai loại dung tích là 100ml hoặc 60ml.
Tác dụng của thuốc Aerius
Thành phần desloratadine của thuốc Aerius thuộc nhóm thuốc kháng histamin, cụ thể là thuốc đối kháng H1. Do vậy, desloratadine có khả năng ức chế chọn lọc histamin H1 receptor, từ đó có thể ngăn cản sự xâm nhập của receptor này tới hệ thống thần kinh trung ương của cơ thể.
Histamin là một hoạt chất gây ra các phản ứng viêm, dị ứng và một số các bệnh lý khác, do cơ thể sản xuất ra. Trong khi đó, thành phần desloratadine có khả năng đối kháng với receptor của histamin nên sẽ ngăn chặn được các phản ứng viêm và dị ứng trên cơ thể người bệnh.
Nhờ tác dụng nêu trên mà thuốc Aerius có công dụng điều trị các bệnh lý dị ứng như: Dị ứng nổi mề đay, mẩn ngứa ngoài da, viêm mũi dị ứng,… Khi đó, sử dụng thuốc sẽ làm giảm các triệu chứng thường gặp của bệnh, bao gồm:
- Triệu chứng của bệnh dị ứng ngoài da: Phát ban, hồng ban đa dạng, ngứa, mề đay, nổi sẩn.
- Triệu chứng khi bị viêm mũi dị ứng: Ho, sổ mũi, ngứa mũi, ngứa họng, chảy nước mũi, hắt hơi, đỏ mắt, chảy nước mắt, ngạt mũi, khó thở.
Chỉ định và chống chỉ định dùng thuốc Aerius
Aerius là thuốc biệt dược do đó có những đối tượng nên và không nên dùng thuốc. Mọi người nên tham khảo để biết bản thân có thuộc nhóm đối tượng sử dụng hay không.
Chỉ định:
- Ở dạng viên, thuốc Aerius được chỉ định sử dụng cho đối tượng là người lớn và trẻ em trên 12 tuổi khi bị viêm mũi dị ứng hoặc dị ứng ngoài da.
- Đối với dạng siro sẽ được sử dụng cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh khi gặp những triệu chứng của bệnh dị ứng ngoài da hoặc viêm mũi dị ứng.
Chống chỉ định:
Sản phẩm không được sử dụng cho những trường hợp có tiền sử bị dị ứng với bất kì thành phần nào có trong thuốc Aerius.
Cách sử dụng Aerius trong điều trị
Đối với từng dạng, cách sử dụng Aerius sẽ có những lưu ý khác nhau. Cụ thể:
Dạng viên nén bao phim
- Sử dụng bằng đường uống sẽ cho hiệu quả cao nhất. Khuyến cáo người bệnh nên uống thuốc nguyên viên, không nhai vỡ hoặc bẻ đôi thuốc để sử dụng.
- Việc uống thuốc không đúng cách có thể làm ảnh hưởng đến quá trình giải phóng và tác động của hoạt chất trong cơ thể, làm giảm sinh khả dụng của thuốc, từ đó giảm hiệu quả và tác dụng của Aerius trong trị bệnh.
- Nên uống thuốc cùng một cốc nước đầy và là nước lọc. Người bệnh lưu ý không sử dụng thuốc cùng sữa hoặc nước hoa quả, nước ngọt, nước có gas.
Dạng siro
- Thuốc Aerius dạng siro cũng được sử dụng đường uống. Tốt nhất, bạn nên sử dụng cốc chia thể tích để lấy lượng thuốc đúng tiêu chuẩn.
- Sau đó uống trực tiếp và không nên pha loãng với nước. Sau đó có thể tráng miệng với nước lọc.
Với cả hai dạng thuốc trên cần được sử dụng đều đặn và liên tục trong suốt quá trình điều trị. Đặc biệt, luôn tuân theo tư vấn, chỉ định của bác sĩ để tránh những tác động không mong muốn và đạt được hiệu quả tối ưu.
Ngoài ra, để tăng quá trình hấp thu của thuốc, người bệnh nên sử dụng sau bữa ăn; đồng thời hạn chế các loại thực phẩm có thể gây kích ứng xảy ra trên niêm mạc dạ dày.
Liều dùng thuốc Aerius
Tùy vào từng độ tuổi, tình trạng bệnh mà liều dùng thuốc có thể khác nhau, người bệnh cần tuân theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, dưới đây là liều lượng sử dụng Aerius để chống dị ứng mà bạn có thể tham khảo:
- Người lớn và trẻ trên 12 tuổi: Liều dùng là 1 viên nén bao phim 5mg hoặc 10ml Aerius dạng siro (tương đương với 5mg). Nên uống mỗi ngày 1 lần, sau bữa ăn để giảm các triệu chứng khó chịu liên quan đến mề đay, dị ứng hay viêm mũi dị ứng.
- Trẻ từ 6 đến 11 tuổi: Sử dụng với liều 5ml (tương đương 2,5mg) thuốc Aerius dạng siro. Cho trẻ uống mỗi ngày 1 lần sau bữa ăn, để giảm các triệu chứng liên quan đến dị ứng.
- Trẻ từ 1 đến 5 tuổi: Liều dùng là 2,5ml thuốc Aerius dạng siro (tương đương 1,25mg). cũng uống 1 lần/ngày và sau bữa ăn.
- Trẻ từ 6 tháng đến 11 tháng tuổi: Chỉ sử dụng với liều 2ml (tương đương 1mg) thuốc Aerius ở dạng sirô. Cho trẻ uống mỗi ngày 1 lần và sau bữa ăn để có hiệu quả tốt nhất.
Lưu ý: Với trường hợp bệnh viêm mũi dị ứng không liên tục. Tức là các triệu chứng của bệnh chỉ xuất hiện dưới 4 ngày/tuần hoặc dưới 4 tuần. Liều lượng điều trị phù hợp cần dựa trên đánh giá tiền sử của người bệnh. Đồng thời, khi hết triệu chứng nên ngừng điều trị và tái điều trị khi tiếp tục xuất hiện các triệu chứng bệnh.
Đối với tình trạng viêm mũi dị ứng kéo dài, thời gian sử dụng thuốc cần kéo dài liên tục trong suốt thời gian tiếp xúc với dị nguyên.
Tác dụng phụ của Aerius
Nhìn chung, thuốc Aerius được đánh giá là an toàn khi sử dụng cho đối tượng là cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các phản ứng dị ứng nặng như: Ngứa, khó thở, khò khè và sưng vẫn có thể xảy ra, nhưng hiếm gặp. Các tác dụng phụ thường gặp hơn bao gồm: Khô miệng, mệt mỏi và nhức đầu.
Ngoài ra, còn có một số tác dụng phụ khác hiếm gặp hơn nữa, bao gồm:
- Nổi phát ban,
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều,
- Bị đau dạ dày, tiêu chảy
- Chóng mặt, buồn nôn
- Đau cơ,…
Để tránh gặp phải những tác dụng không mong muốn nêu trên, tốt nhất người bệnh nên dùng thuốc trong khoảng liều khuyến cáo để đảm bảo an toàn.
Trong quá trình sử dụng thuốc Aerius, nếu người bệnh thấy bất kỳ triệu chứng nào khác thường, hoặc tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn thì nên thông báo với bác sĩ càng sớm càng tốt để có biện pháp xử lý hiệu quả, kịp thời.
Quá liều, quên liều nên xử trí thế nào?
Trong quá trình dùng thuốc không thể tránh khỏi tình trạng quá liều, quên liều. Vậy khi gặp tình huống như vậy cần xử ký thế nào đúng nhất?
Trường hợp dùng quá liều
Những trường hợp sử dụng quá liều Aerius có thể gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng, đau bụng quằn quại, gây khó thở. Lúc này, nên đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để tiến hành loại bỏ lượng thuốc dư thừa khỏi cơ thể.
Các bác sĩ có thể tiến hành rửa dạ dày, sau đó điều trị triệu chứng cho bệnh nhân bị quá liều dẫn đến ngộ độc. Thành phần desloratadine không được loại bỏ bằng cách thẩm tách máu.
Trường hợp quên liều
Nếu quên một liều, người bệnh nên bổ sung càng sớm càng tốt. Đồng thời cần đảm bảo rằng thời gian 2 lần uống thuốc phải cách nhau ít nhất là 12 giờ. Không nên uống hai lần quá gần nhau và tuyệt đối không sử dụng liều gấp đôi nhằm mục đích thay thế hoặc bổ sung. Ngoài ra, trong 1 liệu trình, người bệnh cần đảm bảo không quên thuốc quá 2 lần.
Tương tác thuốc khi dùng Aerius
Một số loại thuốc khi dùng chung với Aerius có thể làm thay đổi khả năng hoạt động hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Vì vậy, để tránh tình trạng tương tác thuốc, người bệnh nên báo với bác sĩ những loại thuốc mà mình đang dùng (bao gồm cả thảo dược, thực phẩm chức năng, thuốc được kê toa và không kê toa).
Đồng thời để tránh nguy cơ gây tương tác thuốc, người bệnh cũng không nên tự ý sử dụng, thay đổi liều lượng hoặc ngưng sử dụng thuốc mà không có sự đồng ý của bác sĩ điều trị.
Mặc dù theo nguyên tắc, một số loại thuốc được khuyến cáo là không nên sử dụng cùng nhau. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bắt buộc, người bệnh vẫn có thể sử dụng chúng cùng nhau, ngay cả khi xảy ra tương tác.
Khi đó, bác sĩ có chỉ định thay đổi liều lượng phù hợp hoặc có biện pháp phòng ngừa nếu cần thiết. Dưới đây là những loại thuốc có thể tương tác với Aerius mà bạn cần lưu ý:
- Augmentin (amoxicillin);
- Cetirizine;
- Crestor (rosuvastatin);
- Celebrex (celecoxib);
- Cymbalta (duloxetine);
- Metformin;
- Naproxen;
- Escitalopram;
- Ibuprofen.
Đối tượng cần thận trọng khi dùng thuốc
Những người bệnh có tiền sử hoặc người thân có tiền sử bị động kinh thì nên thận trọng khi dùng thuốc. Đặc biệt với những đối tượng là trẻ nhỏ có thể dễ bị chứng động kinh khi điều trị bệnh với desloratadine.
Bên cạnh đó, các trường hợp bị suy thận nặng cũng là đối tượng nên thận trọng khi dùng Aerius.
Hay những người có vấn đề về di truyền thiếu hụt Lapp lactase, kém hấp thu glucose – galactose, hoặc không dung nạp galactose cũng không nên sử dụng Aerius.
Phụ nữ có thai, đang cho con bú dùng Aerius được không?
Đối với phụ nữ có thai: Hiện nay chưa có dữ liệu lâm sàng nào chính xác về việc sử dụng Aerius an toàn trong thời kỳ mang thai. Vì vậy, loại thuốc này không khuyến cáo sử dụng nếu người bệnh đang có thai.
Với trường hợp đang nuôi con bằng sữa mẹ cũng không nên dùng thuốc bởi desloratadine được tiết vào sữa mẹ. Trong trường hợp hợp này, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú hãy tham khảo ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn loại thuốc phù hợp.
Hướng dẫn bảo quản
Để thuốc không bị hư hỏng, dẫn đến mất tác dụng, Aerius cần được bảo quản đúng cách theo hướng dẫn như sau:
- Để thuốc ở nhiệt độ phòng và không quá 25 độ C.
- Nên bảo quản thuốc ở những nơi khô thoáng, tránh ẩm thấp, sạch sẽ.
- Tránh xa tầm tay trẻ em.
- Khi chưa có nhu cầu sử dụng, cần giữ nguyên thuốc ở trong chai hoặc vỉ.
- Sau khi dùng xong cần đóng kỹ nắp lọ thuốc để bảo quản.
- Với trường hợp thuốc đã quá hạn sử dụng, cần xử lý theo hướng dẫn, tuyệt đối không nên tiếp tục lưu trữ và sử dụng.
Những lưu ý khi dùng Aerius
Ngoài những vấn đề liên quan đến công dụng, cách dùng, liều lượng, tương tác thuốc, bảo quản thuốc,… Trong quá trình sử dụng, bạn cũng cần chú ý một số điểm sau:
- Với trẻ dưới 6 tháng tuổi cần thận trọng trong việc dùng thuốc, hãy theo dõi chặt chẽ và kiểm tra sức khỏe của trẻ trong suốt thời gian điều trị.
- Với thuốc Aerius ở dạng siro, sau khi đã mở nắp, chỉ nên sử dụng trong vòng 3 tháng.
- Thuốc có thể sử dụng cho người đang lái xe hoặc những người vận hành máy móc nặng bởi không gây buồn ngủ hay tác động tới hệ thần kinh.
- Với những người bị suy giảm chức năng gan, thận nặng cần hiệu chỉnh liều lượng phù hợp.
- Trong quá trình sử dụng thuốc cần hạn chế sử dụng chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia,…
- Trẻ uống nhầm thuốc có thể gây những hậu quả nghiêm trọng.
- Khi thuốc có hiện tượng đổi màu, mốc, chảy nước hoặc biến dạng thì không nên tiếp tục sử dụng.
Thuốc Aerius mang đến hiệu quả cao trong điều trị viêm mũi dị ứng và dị ứng ngoài da. Song việc dùng thuốc cần phải tuân theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ. Người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng thuốc để tránh những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Mong rằng những thông tin chia sẻ trên đây đã giúp bạn có được những thông tin quan trọng về thuốc chống dị ứng Aerius.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!