Ambroxol: Thuốc long đờm và “tất tần tật” những thông tin bạn cần biết
Ambroxol là thuốc long đờm được dùng phổ biến trong việc điều trị các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là viêm phế quản. Thế nhưng việc sử dụng loại thuốc này như thế nào để mang lại hiệu quả tốt nhất thì không phải ai cũng biết. Vì vậy, đừng bỏ lỡ bài viết dưới đây để biết “tất tần tật” những thông tin quan trọng về loại thuốc này.
Ambroxol là thuốc gì?
Ambroxol là 1 thuốc long đờm có tác dụng tốt đối với các tình trạng bệnh lý có tăng tiết dịch hô hấp như: Viêm phế quản cấp tính, các đợt cấp của viêm phế quản mạn tính và viêm phế quản mạn tính. Thực chất, đây là một chất chuyển hóa trong cơ thể của 1 loại thuốc long đờm khác đang được sử dụng hiện nay là bromhexine.
Thuốc có thành phần chính là Ambroxol hydrochloride, thuộc dạng long đờm, tiêu chất nhầy. Loại thuốc này bao gồm các dạng sau:
- Dạng viên nén với hàm lượng là 30 mg.
- Dung dịch uống: Lọ dung tích 50 ml, 30 mg/5 ml.
- Dạng thuốc tiêm 15 mg/2 ml.
- Dạng khí dung 15 mg/2 ml.
- Dạng viên ngậm.
Trong đó, thuốc Ambroxol dạng siro được sử dụng chủ yếu. Chúng có chứa 15 mg Ambroxol hydrochloride, đi cùng với một số chất pha chế có chứa glycerol (85%) 127 mg, axit benzoic 2 mg, giettiloza (hydroxyethyl) 1 mg, raspberry hương 2,5 mg, sorbitol (75%) đến 250 mg, nước tinh khiết lên đến 1 lượng ml.
Trong mỗi lọ siro Ambroxol đều được nhà sản xuất cung cấp 1 thìa pha chế vô cùng tiện lợi đi kèm. Dạng thuốc này cũng dễ sử dụng, phù hợp với các bạn nhỏ nên được nhiều phụ huynh ưa thích. Hiện nay, thuốc có giá giao động từ 50.000 – 60.000 đồng.
Dược lý và cơ chế tác dụng thuốc Ambroxol
Ambroxol được biết đến với công dụng long đờm và làm tiêu chất nhầy. Tuy nhiên, thực tế tác dụng này vẫn chưa được chứng minh một cách đầy đủ. Bởi các kết quả nghiên cứu thực nghiệm trên lâm sàng cho thấy những tác dụng có sự thay đổi. Bên cạnh đó, một vài tài liệu cho biết, loại thuốc này có khả năng cải thiện triệu chứng và làm giảm số đợt cấp tính của bệnh viêm phế quản.
Theo một số tài liệu mới đây, thuốc Ambroxol có tác dụng tương đối tốt với người bị tình trạng tắc nghẽn phổi nhẹ và trung bình, còn với những người bị bệnh phổi tắc nghẽn nặng thì không có lợi ích rõ rệt. Ambroxol dạng khí dung cũng có tác dụng tốt đối với những người bị ứ protein phế nang, mà không muốn rửa phế quản.
Khi đi vào cơ thể, loại thuốc này có cơ chế tác dụng như sau:
- Với liều điều trị, thuốc Ambroxol có thể hấp thụ nhanh và gần như hoàn toàn. Sau khi dùng thuốc, nồng độ tối đa trong huyết tương sẽ đạt được trong vòng 0,5 – 3 giờ đồng hồ.
- Đầu tiên, với nồng độ thuốc cao nhất trong phổi, thuốc sẽ khuếch tán nhanh từ máu đến mô.
- Khoảng 30% liều uống sẽ được thải qua vòng hấp thu đầu tiên. Khi vào cơ thể, thuốc được chuyển hóa ở gan là chủ yếu. Còn lượng bài tiết qua thận thì đạt xấp xỉ 90%.
Chỉ định và chống chỉ định
Đây là vấn đề mà người bệnh cần đặc biệt lưu ý trước khi sử dụng thuốc Ambroxol để biết bản thân có thể sử dụng được loại thuốc này hay không.
Chỉ định:
- Những người bị viêm phế quản mạn, viêm phế quản cấp tính, hen phế quản, và viêm phế quản dạng hen.
- Những trường hợp bệnh nhân cần tiêu chất nhầy ở đường hô hấp.
- Đối tượng sau khi cấp cứu và mổ, cần phòng các biến chứng ở phổi.
- Những người bị các bệnh ở đường hô hấp và có kèm tình trạng tăng tiết dịch không bình thường ở phế quản không.
Chống chỉ định:
- Trường hợp người bệnh quá mẫn với các thành phần của Ambroxol.
- Những người bị loét dạ dày tá tràng tiến triển không nên dùng thuốc.
- Thuốc không được dùng cho những trẻ nhỏ từ 0 – 2 tuổi.
- Những đối tượng có các vấn đề về gan, thận.
Nên dùng ambroxol như thế nào?
Trước khi sử dụng, hãy đọc kỹ phần hướng dẫn trên bao bì thuốc. Người bệnh có thể sử dụng Ambroxol kèm chung với thức ăn theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu không chắc chắn về bất cứ thông tin nào, bạn hãy tham khảo tư vấn từ dược sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa.
Bên cạnh đó, đừng quên thông báo với bác sĩ nếu bạn thấy tình trạng bệnh của mình vẫn tiếp diễn, mắc các triệu chứng mới hoặc có dấu hiệu trở nặng hơn. Nếu lo lắng rằng mình đang gặp một vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, hãy đến bệnh viện ngay để được thăm khám kịp thời.
Liều dùng
Thuốc Ambroxol có thể được dùng cho cả người lớn và trẻ em với các liều lượng khác nhau. Cụ thể:
Người lớn: Sử dụng 30mg – 120mg /ngày và chia thành 2 – 3 lần uống.
Trẻ em thường dùng ở dạng siro:
- Trẻ từ 2 – 6 tuổi: Chỉ sử dụng khoảng 1/4 muỗng đo (1,25 ml), mỗi ngày dùng 2 đến 3 lần.
- Trẻ từ 6 đến 12 tuổi: Sử dụng 2,5ml, khoảng 1/2 muỗng đo, mỗi ngày dùng 3 lần.
- Trẻ từ tuổi 12 tuổi trở xuống: Ngày dùng 2 – 3 lần, mỗi lần dùng 1 muỗng, tương đương với 5ml.
Các tác dụng phụ khi dùng thuốc Ambroxol
Khi sử dụng Ambroxol, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như sau:
- Buồn nôn.
- Đổ nhiều mồ hôi.
- Tiêu chảy.
- Người bệnh có thể bị đau đầu, chóng mặt, hoặc gặp tình trạng buồn ngủ.
- Nổi mề đay, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cảm thấy khó thở.
Ngoài ra, một số trường hợp cũng có thể gặp phải các tác dụng phụ hiếm gặp như:
- Bị loạn nhịp tim, hạ huyết áp.
- Gặp một số vấn đề liên quan đến thần kinh trung ương.
- Bị đi ngoài kèm theo tình trạng có máu hoặc máu trong nước tiểu.
- Bị hoa mắt, cơ thể khó cử động, hoặc co giật.
Nếu gặp phải các tình trạng trên, hoặc chúng xảy ra quá nhiều, người bệnh nên tới các cơ sở y tế hoặc liên hệ bác sĩ để được tư vấn và xử lý kịp thời.
Trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều Ambroxol
Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh có thể gặp phải tình trạng sử dụng quá liều hoặc quên uống liều thuốc. Vậy nên xử lý như thế nào?
- Dùng quá liều: Nếu dùng quá liều và gặp tình trạng khẩn cấp, bạn hãy gọi ngay 115 (trung cấp cấp cứu) hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
- Quên một liều: Nếu quên một liều thuốc Ambroxol, bạn hãy uống bù một liều khác càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu thời gian uống liều bù đã gần với liều kế tiếp, thì bạn hãy bỏ qua liều đã quên và sử dụng liều kế tiếp theo đúng thời điểm, tránh tình trạng uống gấp đôi liều đã chỉ định.
Tương tác thuốc
Khi sử dụng Ambroxol, bạn cũng cần lưu ý với một số trường hợp có gây tương tác thuốc như sau:
Ambroxol gây tương tác với thuốc nào?
Nếu sử dụng một số loại thuốc gây tương tác với Ambroxol có thể khiến các tác dụng phụ gia tăng ảnh hưởng hoặc làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc. Vì vậy, trước khi sử dụng, bạn hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng và cho bác sĩ xem. Từ đó, các bác sĩ sẽ có tư vấn phù hợp.
Ảnh hưởng khi dùng chung thức ăn và rượu bia
Thông thường, một số loại thuốc sẽ không được sử dụng trong bữa ăn hoặc không được dùng chung với một số loại thức ăn nhất định vì chúng có thể gây ra tình trạng tương tác. Đặc biệt rượu và thuốc lá là những loại dễ gây tương tác với thuốc nhất. Vì vậy, đừng quên tham khảo ý kiến của chuyên gia về việc sử dụng Ambroxol cùng với thức ăn, rượu và thuốc lá.
Cách bảo quản thuốc Ambroxol
Sau mỗi lần sử dụng, bạn nên bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng và tránh ẩm. Không nên để thuốc tại phòng tắm hoặc là trong ngăn đá của tủ lạnh. Tuy nhiên, mỗi loại thuốc có thể có những cách bảo quản khác nhau. Vì vậy, tốt nhất hãy đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên sản phẩm, hoặc lắng nghe tư vấn từ dược sĩ.
Nếu thuốc đã hết hạn sử dụng không dùng đến nữa, tuyệt đối không vứt vào toilet, bồn rửa mặt hoặc đường ống dẫn nước. Có thể tham khảo ý kiến dược sĩ để có cách tiêu hủy thuốc an toàn.
Các bệnh về đường hô hấp thường rất dễ xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Vì vậy, việc sử dụng thuốc Ambroxol cũng khá phổ biến. Tuy nhiên, trước khi dùng thuốc, đừng quên tìm hiểu kỹ các thông tin và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ bạn nhé!
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!