Thuốc Aspirin – Công dụng, liều dùng và những điều phải biết khi sử dụng
Aspirin là một loại thuốc được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới từ hơn 100 năm nay với nhiều công dụng khác nhau. Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo không được sử dụng thuốc aspirin tuỳ tiện nếu không sẽ để lại nhiều hệ luỵ khó lường. Vậy thuốc Aspirin có công dụng gì, cách sử dụng ra sao, có tác dụng phụ không, khi dùng phải lưu ý điều gì?
Aspirin là thuốc gì?
Vào năm 1899, công ty Bayer của Đức đã nghiên cứu và đăng ký thương hiệu Aspirin và từ đó đến nay loại thuốc này được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới.
Aspirin có tên quốc tế là Acetylsalicylic Acid (ASA), thuộc nhóm Salicylat chống viêm Non – Steroid, hoạt động theo nguyên lý ức chế enzym COX (Cyclooxygenase). Từ đó Aspirin sẽ ức chế các chất gây sưng viêm, gây đau như thromboxan, prostaglandin và một số chất chuyển hoá khác.
Aspirin là loại thuốc gì? Đây là thuốc giảm đau Salicylat, hạ sốt, giảm đau, chống lại viêm nhiễm không Steroid hiệu nhanh chóng. Bên cạnh đó thuốc còn ức chế việc tập kết tiểu cầu, dự phòng huyết khối.
Các dạng và hàm lượng Aspirin hiện nay
Trên thị trường hiện nay có nhiều dạng thuốc aspirin với hàm lượng khác nhau, có thể kể đến như:
- Viên dạng nén, dùng để uống 325mg, 500, 650mg.
- Viên dạng nén, dùng để nhai 81mg và 75mg.
- Viên dạng bao phim caplet 325mg, 500mg.
- Viên dạng nén giải phóng chậm 81mg, 165mg, 500 mg, 325mg, 975 mg, 650 mg.
- Viên aspirin dùng để đặt trực tràng 300mg và 600mg.
- Dạng nhai kẹo cao su 325mg.
Thuốc Aspirin có tác dụng gì?
Mọi người thường biết đến công dụng phổ biến của thuốc aspirin là giảm đau, hạ sốt. Ngoài hai tác dụng này, thuốc aspirin còn được chỉ định sử dụng trong nhiều trường hợp khác, cụ thể như sau:
Aspirin hạ sốt
Hạ sốt nhanh là tác dụng đầu tiên của thuốc aspirin. Khi các tác nhân gây sốt như vi khuẩn, virus, độc tố, nấm men,… xâm nhập vào cơ thể dẫn đến làm tăng tạo nhiệt và giảm thải nhiệt. Aspirin sẽ tác động làm ức chế COX giảm tổng hợp PG giúp giãn mạch da đồng thời tăng tiết mồ hôi, nhờ đó mà hạ sốt cho cơ thể.
Tuy nhiên, thuốc này chỉ có công dụng hạ sốt mà không tác động vào căn nguyên gây sốt.
Tác dụng giảm đau
Loại thuốc này được chỉ định giảm nhanh các cơn đau nông, nhẹ và vừa, đặc biệt các cơn đau do bị viêm như đau đầu, đau răng, khớp và cơ.
Đặc biệt, thuốc không gây buồn ngủ, không gây nghiện, tác dụng giảm đau liên quan với tác dụng chống viêm. Tuy nhiên, nhiều người gặp tác dụng phụ đến đường tiêu hoá nên paracetamol thường được dùng nhiều hơn.
Chống viêm hiệu quả
Thuốc aspirin liều cao có tác dụng với hầu hết các loại viêm trong thời kỳ đầu, thường dùng trong các đơn thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp, thoái hoá xương khớp, viêm đốt sống,…
Cơ chế hoạt động chống viêm như sau:
- Ức chế COX-1 và COX-2 từ đó làm giảm tổng hợp PG chống lại viêm nhiễm.
- Làm bền vững màng lysosom, ức chế quá trình giải phóng enzyme của lysosome ngăn cản viêm, ức chế phản ứng kháng nguyên của cơ thể.
- Đặc biệt, aspirin thuộc nhóm salicylat, tăng giải phóng steroid, từ đó hiệu quả chống viêm tăng cao.
Aspirin ngừa đột quỵ và dự phòng bệnh tim mạch
Hiện tượng ngưng kết tiểu cầu làm máu bị đông lại không lưu chuyển được, dẫn đến nguy cơ phát bệnh nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Aspirin liều thấp giúp ức chế cyclooxygenase ở tiểu cầu, giảm tổng hợp chất làm vón cục tiểu cầu, chống tập kết tiểu cầu. Nhờ đó, thuốc này được kê dùng để dự phòng cho người có tiền sử bị bệnh tim mạch (đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim,…) và đột quỵ.
Điều trị hội chứng Kawasaki
Kawasaki hay còn gọi là hội chứng hạch bạch huyết niêm mạc, được hiểu là bệnh mà các mạch máu trên người bị viêm, rất hiếm gặp. Đối tượng dễ mắc hội chứng này là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, bé nam có tỷ lệ mắc cao hơn bé gái.
Triệu chứng của bệnh là sốt kéo dài, xuất hiện hạch lớn ở cổ, phát ban ở bộ phận sinh dục, sưng họng, xuất hiện màu đỏ ở các bộ phận mắt, môi, lòng bàn tay, lòng bàn chân.
Bác sĩ sẽ chỉ định dùng aspirin liều cao và immunoglobulin để điều trị bước đầu để hạ sốt, chống viêm, ngăn ngừa huyết khối.
Các tác dụng khác
Bên cạnh các công dụng điều trị bệnh thì hiện nay nhiều người cũng sử dụng aspirin cho các mục đích khác, đặc biệt là chăm sóc và làm đẹp da như trị mụn, làm trắng da, trị gàu,…
Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu cụ thể nào về các công dụng này, do đó, nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi dùng.
Các trường hợp không được dùng aspirin
Những đối tượng dưới đây chống chỉ định dùng aspirin:
- Người bị hen suyễn, polyp mũi, viêm mũi, người có tiền sử bị hen, nổi mề đay sau khi sử dụng aspirin trước đó.
- Người bị bệnh về dạ dày, hành tá tràng, có triệu chứng bị ợ nóng.
- Người mắc các bệnh về máu như máu khó đông, máu loãng, bệnh lý chảy máu như sốt xuất huyết.
- Người có tiền sử mắc bệnh tim mạch, thận, gan, huyết áp cao.
- Không sử dụng cho các đối tượng phụ nữ có thai và đang cho con bú, bệnh nhân vừa phẫu thuật, kể cả phẫu thuật nha khoa.
- Không dùng aspirin cho người có dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc, có tiền sử dị ứng ibuprofen, naproxen.
- Không uống aspirin với rượu và các loại thuốc chống đông khác.
Liều dùng aspirin cho người lớn và trẻ nhỏ
Trước khi sử dụng aspirin, bạn cần phải biết rằng, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc bừa bãi hoặc sai cách, cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ và người có chuyên môn trước khi dùng.
Tuỳ thuộc vào tình trạng, cơ thể, sức khỏe và mục đích sử dụng mà có liều dùng và cách sử dụng khác nhau.
Liều dùng cho người lớn
Với người lớn, aspirin được chỉ định sử dụng như sau:
- Để giảm đau: 325 – 650mg đường uống hoặc đặt viên thuốc trực tràng 4 tiếng/lần.
- Để hạ sốt: 325 – 650mg đường uống, đặt trực tràng 4 tiếng/lần.
- Điều trị đau do bệnh viêm khớp, thấp khớp, khớp cột sống dạng thấp, viêm cột sống dính khớp: 3 lần/ngày, mỗi lần 3 – 5g, chia thành nhiều liều nhỏ.
- Chữa bệnh lupus ban đỏ: 3 lần/ngày, mỗi lần 3g.
- Bệnh nhồi máu cơ tim: dùng 30 ngày liên tục, liều lượng 160mg/ lần.
- Để dự phòng các cơn nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đau thắt ngực: từ 75 – 325mg mỗi lần, chỉ định dùng liên tục đến suốt đời.
- Điều trị gút cấp: mỗi ngày 4 – 5g.
Liều dùng cho trẻ em
Với trẻ nhỏ, việc sử dụng aspirin phải hết sức thận trọng và tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
- Điều trị sốt và giảm đau cho trẻ 2 – 11 tuổi: 3 lần/ ngày, mỗi lần 10 – 15mg, viên đặt trực tràng 4 – 6 tiếng/lần.
- Điều trị sốt và giảm đau cho trẻ trên 12 tuổi: uống 325 – 650mg hoặc viên đặt 4 tiếng/lần.
- Điều trị bệnh khớp cho trẻ 2 – 11 tuổi và nhẹ hơn 25kg: 3 lần/ngày, mỗi lần 60 – 90mg.
- Điều trị khớp trẻ trên 12 tuổi và trên 25kg: 3 lần/ngày, mỗi lần 2,4 – 3,6g.
- Giai đoạn đầu chữa Kawasaki có sốt cấp tính: 80 – 100mg/ ngày, uống tối đa 2 tuần. Giai đoạn sau điều chỉnh 3 – 5mg/ngày dùng tối đa 50 ngày.
Lưu ý, trẻ nhỏ trên 25kg không được dùng aspirin quá 100mg/kg/ngày, có thể gây ra độc tính.
Cách dùng và bảo quản thuốc đúng cách
Có 3 loại aspirin trên thị trường bao gồm viên dạng uống, viên đặt trực tràng và viên nhai dạng cao su. Để phát huy hiệu quả tốt nhất, bạn cần phải sử dụng aspirin đúng cách theo hướng dẫn của nhà sản xuất về cả thời gian sử dụng và liều dùng.
Aspirin đường uống
Có 2 hình thức bao gồm viên nén và viên bao phim caplet. Để đảm bảo tác dụng của thuốc, người uống cần chú ý:
- Uống aspirin với nước ấm, sau khi ăn no, sau đó ngồi nghỉ ít nhất 5 phút, không nằm trong ít nhất 10 phút sau uống.
- Không nhai hoặc nghiền nát thuốc sau đó mới uống. Điều này làm phá huỷ cấu trúc hoá học, chỉ nên bẻ đôi viên thuốc nếu có rãnh thuốc ở giữa.
- Với viên nén có bao phim nên nuốt nguyên cả bao phim.
- Trong trường hợp uống thuốc khiến dạ dày khó chịu, bạn có thể uống với sữa ấm.
Bảo quản thuốc ở nơi thoáng mát, nhiệt độ phòng dưới 30 độ, tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời.
Viên aspirin dạng đặt
Đặt viên thuốc ở trực tràng theo hướng dẫn ghi trên bao bì của nhà sản xuất:
- Sau khi tháo lớp vỏ bên ngoài thì nhúng đầu thuốc vào nước.
- Nằm nghiêng, nâng đầu gối lên trên ngực, dùng tay đặt viên thuốc vào trực tràng. Với người lớn nên đặt sâu 2,5cm, với trẻ em đặt sâu từ 1,25 đến 2,5cm.
- Nằm yên trong khoảng 15 phút, sau đó bạn có thể hoạt động bình thường.
Cần chú ý tuân thủ nghiêm chỉnh thời gian đặt thuốc, thông thường sau 4 – 6 tiếng có thể đặt thêm viên khác.
Nên bảo quản thuốc đặt trong ngăn mát tủ lạnh, không để đóng băng thuốc.
Aspirin dạng kẹo cao su
Dạng thuốc này ít gặp hơn so với 2 loại trên. Cách dùng khá đơn giản, bạn có thể nhai như các loại kẹo cao su bình thường.
Các tác dụng phụ có thể gặp phải
Các bác sĩ cảnh báo, thuốc aspirin có thể gây nhiều tác dụng phụ không mong muốn, cần thận trọng khi sử dụng.
- Thường gặp nhất là bồn chồn, buồn ngủ, chóng mặt, buồn nôn, ợ hơi nóng, nóng bụng.
- Với hệ tiêu hoá: tổn thương niêm mạc ở ruột, dạ dày, có thể gây loét, thủng dạ dày, đi ngoài ra phân đen, ra máu,…
- Với hệ tiết niệu: tổn thương chức năng ở thận, viêm thận, suy thận, sỏi thận, bệnh gút,…
- Xuất huyết dưới da, giảm tiểu cầu và bạch cầu gây thiếu máu.
- Tác động lên hệ thần kinh với các tác dụng phụ gồm run, co giật, mất kiểm soát, ảo giác, mất ý thức,…
- Dị ứng thuốc gây khó thở, phát ban, nổi mề đay, sưng phù ở môi, mí mắt, lưỡi,…
Ngay khi có những dấu hiệu bất thường sau khi dùng thuốc, người bệnh cần đến gặp bác sĩ ngay, tránh những hệ quả đáng tiếc, đặc biệt là khi có dấu hiệu sốc phản vệ.
Tương tác với thuốc aspirin có thể gặp phải
Trong quá trình sử dụng, thuốc có thể tương tác với các loại thuốc khác và một số chất nhất định. Do đó, trước khi sử dụng, bạn cần phải thông báo cụ thể với bác sĩ về tình trạng sức khỏe cũng như các loại thuốc mà bạn đang dùng hiện tại.
Aspirin tương tác với các loại thuốc nào?
Việc tương tác thuốc xảy ra có thể làm giảm tác dụng của thuốc hoặc làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Một số loại thuốc có thể tương tác với aspirin như:
- Thuốc chống trầm cảm citalopram, fluoxetine, escitalopram, sertraline, vilazodone,…
- Thuốc chống đông máu coumadin và warfarin…
- Thuốc tăng nhãn áp acetazolamid, enzyme inhibitors angiotensin-converting,…
- Thuốc chẹn beta atenolol, labetalol, metoprolol, nadolol,…
- Thuốc lợi tiểu.
- Thuốc hen suyễn.
- Thuốc trị bệnh gút.
- Thuốc kháng viêm không steroid NSAID.
Danh sách các loại thuốc trên đây chưa đầy đủ, do đó bạn cần phải kê khai các loại thuốc đang dùng, tiền sử bệnh cũng như tình trạng sức khoẻ hiện tại.
Tương tác với rượu bia và thực phẩm
Cách dùng thuốc đúng và khoa học nhất là uống với nước ấm. Khi uống thuốc cũng như đang trong quá trình điều trị bệnh, không được uống cùng với rượu, bia, sử dụng thuốc lá.
Một số loại thuốc có thể tương tác với các loại thực phẩm, do đó không uống thuốc cùng với thức ăn.
Cẩn trọng với ngộ độc aspirin
Khi sử dụng aspirin, cần phải hết sức cẩn thận với tình trạng ngộ độc, đặc biệt khi sử dụng quá liều.
- Uống aspirin cùng rượu, thuốc chống đông sẽ làm tăng cao nguy cơ bị xuất huyết dạ dày.
- Nếu dùng quá 10g aspirin sẽ dẫn đến tình trạng ngộ độc.
- Nếu sử dụng quá 20g sẽ dẫn đến tử vong.
Khi gặp phải hiện tượng ngộ độc cần phải xử lý kịp thời, sau đó đưa đến bệnh viện ngay lập tức.
Cách xử lý khi dùng aspirin quá liều
Khi sử dụng thuốc quá liều, bạn cần báo ngay cho người nhà và xử lý nhanh chóng, kịp thời. Sau khi sơ cứu phải đến ngay bệnh viện để cấp cứu.
Dưới đây là một số cách khắc phục nếu xảy ra tình trạng dùng aspirin quá liều:
- Nôn hoặc uống than hoạt tính để làm sạch dạ dày, hoặc rửa dạ dày.
- Theo dõi sự sống, nồng độ salicylat huyết thanh kết hợp điều trị sốt cao, giữ nồng độ đường trong máu phù hợp.
- Sử dụng các biện pháp tăng bài tiết tiết niệu để thải trừ hàm lượng thuốc trong cơ thể.
- Một số trường hợp cần truyền hoặc thay máu, thẩm tách máu, dùng vitamin K để điều trị chảy máu.
- Theo dõi hoạt động của phổi, kiểm soát tình trạng co giật, mất kiểm soát, mất ý thức.
Quên uống thuốc phải làm sao?
Aspirin chỉ phát huy tác dụng theo liều, tức là cần thiết sử dụng thuốc đủ liều, đúng thời gian theo đơn thuốc của bác sĩ.
Tuy nhiên, trong trường hợp bạn quên sử dụng một lần thì không đáng lo ngại.
- Uống bù thêm 1 viên ngay sau khi nhớ.
- Nếu sắp đến thời gian sử dụng liều tiếp theo thì có thể bỏ qua lần quên trước đó, uống viên tiếp theo như đúng lịch.
Cách tốt nhất để không quên uống thuốc cũng như để thuốc có hiệu quả tốt nhất là nên đặt lịch uống ngay sau khi ăn no khoảng 30 phút đến 1 tiếng, cố định thời gian để không quên.
Bà bầu có sử dụng được aspirin hay không?
Với phụ nữ đang mang thai cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Các chuyên gia cảnh báo, phụ nữ có thai không được dùng aspirin trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ. Việc sử dụng aspirin có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến dị tật ở thai nhi, tăng huyết áp động mạch, suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, chảy máu và kéo dài thời gian chuyển dạ.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê dùng aspirin khi mang thai và được kiểm soát chặt chẽ như:
- Dự phòng tiền sản giật
- Hội chứng kháng phospholipid dẫn đến đông máu dẫn đến tăng nguy cơ sảy thai.
Trong trường hợp phụ nữ sử dụng aspirin mà không biết mình đang mang thai thì cần phải đến ngay bệnh viện để được tư vấn cụ thể. Bên cạnh đó, cần phải theo dõi chặt chẽ và khám thường xuyên để phát hiện các bất thường kịp thời.
Aspirin là loại thuốc phổ biến, có nhiều công dụng trong điều trị nhiều bệnh. Tuy nhiên, sử dụng thuốc sai cách có thể gặp nhiều tác dụng phụ cũng như các biến chứng nguy hiểm khác. Do đó, khi cần thiết phải sử dụng, bạn cần tham khảo và tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ.
Nguồn tham khảo: https://vi.wikipedia.org/wiki/Aspirin
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!