Thuốc Azithromycin: Công dụng, liều dùng, chỉ định và những tác dụng phụ có thể xảy ra
Azithromycin là loại thuốc kháng sinh thường được chỉ định trong điều trị các bệnh viêm nhiễm do vi khuẩn gây ra. Vậy loại thuốc này được chỉ định cho những đối tượng nào, liều dùng, cách sử dụng ra sao, có tác dụng phụ không? Hãy cùng CHR tìm hiểu kỹ hơn về Azithromycin trong bài viết dưới đây.
Azithromycin là thuốc gì?
- Tên quốc tế là : Azithromycin.
- Thuộc loại thuốc: Thuốc kháng khuẩn.
- Các tên biệt dược tương tự: Azithromycin Stada, Azithromycin Sandoz, Azee…
Azithromycin là một loại thuốc kháng sinh được sử dụng rộng rãi để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn như: Viêm tai giữa, viêm họng, viêm phổi, bệnh tiêu chảy, nhiễm trùng đường ruột. Ngoài ra loại thuốc này còn có khả điều trị được một số bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, sốt rét và nhiều chứng bệnh liên quan khác.
Thành phần chính của sản phẩm này là các hoạt chất Azithromycin cùng các tá dược khác như: Lactose khan, Sodium lauryl sulfate,… giúp ngăn chặn và tiêu diệt nhanh chóng các loại vi khuẩn gây bệnh, đồng thời tạo hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của các tác nhân gây hại tự do.
Azithromycin có thể dùng được cả trẻ em và người lớn dưới dạng thuốc kê đơn.
Các dạng bào chế và hàm lượng của Azithromycin
Azithromycin được bào chế thành 3 dạng: thuốc uống, thuốc tiêm tĩnh mạch và thuốc nhỏ mắt với nhiều hàm lượng khác nhau:
- Thuốc uống: Với dạng uống Azithromycin lại được chia thành 2 loại. Loại viên nang chứa azithromycin dihydrat tương đương 250mg và 500mg azithromycin. Loại hỗn hợp uống chứa azithromycin dihydrat tương đương 200 mg azithromycin/5 ml.
- Thuốc tiêm tĩnh mạch với hàm lượng Azithromycin 500mg.
- Thuốc nhỏ mắt dung dịch 1%.
Cơ chế hoạt động và tác dụng của thuốc
Ngoài thành phần thì cơ chế hoạt động cũng là một trong những yếu tố giúp Azithromycin trở thành loại thuốc kháng sinh công hiệu nhất trong việc điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Vậy cơ chế hoạt động của loại thuốc này là gì, tác dụng ra sao? Tất cả những thắc mắc đó sẽ nhanh chóng được giải đáp trong phần viết dưới đây.
Cơ chế hoạt động
Theo các chuyên gia Azithromycin là loại thuốc kháng sinh thuộc nhóm macrolid hoạt động phổ rộng hơn so với emthrocymin và clarithomrcyin.
Cơ chế hoạt động chính của loại thuốc này là kiềm chế sự phát triển của vi khuẩn. Tuy nhiên ở nồng độ cao Azithromycin có thể tiêu diệt nhanh chóng một số loại vi khuẩn như: Streptococcus pyogenes, Streptococcus pneumoniae,…bằng cách ngăn cản quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn, từng bước phá hủy tế bào của chúng.
Nhìn chung Azithromycin có tác dụng yếu hơn so với erythromycin trên vi khuẩn Gram dương và mạnh hơn trên một số vi khuẩn Gram âm trong đó có Haemophilus.
Tác dụng của Azithromycin
Với cơ chế tác động toàn diện tạo thành 2 gọng kìm kẹp chặt Azithromycin được biết đến với những tác dụng chủ đạo sau:
- Điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn hiệu quả.
- Tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, nâng cao khả năng chống chọi với các loại vi khuẩn gây bệnh.
- Tuy nhiên cần lưu ý rằng Azithromycin không có tác dụng đối với các bệnh viêm nhiễm do virus gây ra như cảm lạnh, cảm cúm thông thường.
Đối tượng sử dụng Azithromycin
Azithromycin được chỉ định cho các đối tượng dưới đây:
- Những bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và dưới do các vi khuẩn nhạy cảm như: viêm phế quản, viêm phổi, viêm họng, viêm amidan, viêm tai giữa,…
- Những bệnh nhân bị nhiễm khuẩn da và mô mềm do các chủng khuẩn S. aureus, S.pyogenes,…
- Những bệnh nhân bị bệnh lây qua đường tình dục như: Bệnh lậu chưa biến chứng, viêm niệu quản không do lậu cầu.
Một số bệnh khác đã từng được chỉ định như:
- Bệnh xoắn khuẩn do Leptospira, bệnh Lyme, bệnh sốt rét, loét hành tá tràng nhiễm khuẩn HP.
- Bệnh giang mai tiêm phát, thứ phát cũng có thể điều trị bằng Azithromycin.
Chống chỉ định Azithromycin
Theo khuyến cáo từ nhà sản xuất, một số đối tượng dưới đây không nên sử dụng thuốc dưới bất cứ hình thức nào:
- Những người mẫn cảm hoặc dị ứng với các thành phần của Azithromycin hoặc các loại thuốc kháng sinh thuộc nhóm macrolid.
- Những người đang điều trị các bệnh về gan, thận nên khai báo cho bác sĩ trước khi quyết định sử dụng loại thuốc kháng sinh này.
- Những người bị bệnh tim bao gồm nhịp tim không đều, suy tim,.. cũng nên thận trọng khi sử dụng Azithromycin.
- Ngoài ra những người bệnh đang bị tiểu đường hoặc nhược cơ cũng bị cấm sử dụng loại thuốc này. Bởi Azithromycin có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh yếu cơ và khiến đường huyết tăng cao khó kiểm soát.
- Một đối tượng nữa cũng cần thận trọng khi dùng Azithromycin là những người có hệ tiêu hóa kém.
Hướng dẫn cách sử dụng Azithromycin hiệu quả
Là thuốc kháng sinh nên khi sử dụng Azithromycin bạn cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Tùy vào từng dạng bào chế mà người ta sẽ có cách dùng Azithromycin khác nhau:
Đối với dạng uống:
- Dạng viên nang: Người bệnh nên nuốt trọn cả viên thuốc với một cốc nước lọc vừa đủ. Tuyệt đối không bẻ đôi, nghiền rồi pha loãng thuốc nếu không có sự chỉ định từ phía bác sĩ. Đồng thời nên uống vào một thời điểm cố định để đảm bảo nồng độ thuốc trong cơ thể được ổn định, giúp phát huy tối đa công dụng.
- Dạng hỗn hợp: Lắc đều chai thuốc và dùng công cụ đo lường để xác định liều lượng cần dùng. Nhớ sau khi uống vặn chặt nắp lọ để thuốc không bị bay hơi hoặc rơi đổ ra ngoài.
Đối với dạng tiêm:
- Cách tiêm: Tiêm truyền tĩnh mạch khi dùng Azithromycin, tuyệt đối không truyền bắp hoặc truyền cùng thuốc khác trong 1 đường truyền.
- Tốc độ truyền: Theo khuyến cáo của nhà sản xuất với dung dịch chứa liều 500mg Azithromycin thì phải truyền ít nhất trong vòng 1 giờ.
- Tuy nhiên đối với dạng thuốc tiêm người bệnh nên đến các bệnh viện lớn để được các bác sĩ có chuyên môn tiến hành, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc tại nhà nếu không có kiến thức y khoa.
Liều dùng
Tuân thủ theo đúng liều lượng đã được chỉ định là một trong cách giúp bảo vệ cơ thể khỏi những tác dụng phụ của Azithromycin. Các bác sĩ sẽ căn cứ vào căn bệnh điều trị và độ tuổi của mỗi người để chỉ định các liều dùng khác nhau.
Đối với người lớn
- Để điều trị bệnh viêm phế quản: Dùng liên tiếp trong 3 ngày, mỗi ngày dùng 500mg. Hoặc có thể dùng liều 500mg trong ngày đầu tiên, sau đó giảm xuống 250mg trong 4 ngày kế tiếp.
- Điều trị bệnh viêm xoang: Liều dùng cho người lớn là dùng 500mg/ ngày và dùng liên tiếp trong 3 ngày.
- Điều trị nhiễm khuẩn da: Dùng 500mg trong ngày đầu tiên sau đó dùng 250mg trong 4 ngày kế tiếp.
- Điều trị viêm niệu đạo, viêm tử cung: Đối với trường hợp nhiễm trùng thông thường người bệnh dùng liều duy nhất là 1g. Đối với trường hợp nhiễm trùng có vi khuẩn lậu người bệnh dùng liều 2g.
- Điều trị bệnh loét sinh dục: Dùng liều 1g/ ngày.
- Viêm họng hoặc viêm amidan: Người lớn dùng liều 500mg cho ngày đầu tiên và 250mg cho 4 ngày tiếp theo.
Đối với trẻ em
- Điều trị viêm xoang: Liều dùng cho trẻ em từ 6 tháng đến 17 tuổi là 10mg/kg/ lần. Tuyệt đối không dùng quá 500mg/ ngày và không dùng cho trẻ nhỏ dưới 6 tháng.
- Điều trị viêm tai giữa cấp tính: Trẻ em từ 6 tháng -17 tuổi: dùng liều duy nhất 30mg/kg.
- Điều trị viêm họng, viêm amidan: Trẻ nhỏ từ 2 -17 tuổi: Dùng liều 12mg/ kg/ ngày. Dùng liên tiếp trong vòng 5 ngày, tuyệt đối không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.
Ngoài ra người cao tuổi, bệnh nhân bị các bệnh về thận và gan có thể được giảm liều hoặc chỉ định loại thuốc khác. Do đó nên tham khảo ý kiến bác sĩ thật kỹ trước khi sử dụng loại thuốc này.
Làm gì khi bị quên liều hoặc quá liều?
“Nếu vô tình bị quên hoặc quá liều, bạn cần làm gì?”’ Đây có lẽ là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm khi sử dụng Azithromycin.
- Bị quên liều: Trong trường hợp bị quên uống một liều, hãy bổ sung ngay lập tức khi bạn nhớ ra, trừ khi gần đến giờ cho liều kế tiếp. Tuyệt đối không bao giờ được gộp 2 liều cùng một lúc để bù cho liều đã quên.
- Bị quá liều: Việc dùng quá liều có thể khiến cơ thể bạn bị gặp một số tác dụng phụ. Các tác dụng phụ này sẽ tùy thuộc vào cơ địa và liều lượng bạn đã dùng mà có thể tự biến mất hoặc dai dẳng kéo dài. Trong trường hợp thấy khó thở, tim đập nhanh, ..bạn cần gọi ngay cho 115 và đến cơ sở y tế gần nhất để được tiến hành rửa ruột.
Hướng dẫn bảo quản thuốc Azithromycin
Bảo quản thuốc đúng cách không những giúp giữ được nguyên vẹn dược tính của thuốc mà còn giúp cơ thể tránh bị ngộ độc nếu dùng phải thuốc bị ẩm mốc.
Người bệnh nên bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh xa tầm tay của trẻ nhỏ hoặc thú nuôi trong nhà. Một lưu ý nhỏ cho bạn là nhớ vặn kín nắp Azithromycin dạng hỗn hợp 500mg để không bị bay hơi thuốc.
Tác dụng phụ có thể gặp khi dùng Azithromycin sai cách
Khi sử dụng Azithromycin không đúng cách cơ thể bạn sẽ có thể gặp một số tác dụng nguy hiểm.
Một số tác dụng phụ ít nghiêm trọng
Một số tác dụng phụ ít nghiêm trọng của loại thuốc này phải kể đến như:
- Buồn nôn, nôn hoặc gặp các vấn đề về tiêu hóa như: Táo bón, tiêu chảy nhẹ.
- Hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, cảm giác mệt mỏi toàn thân.
- Hồi hộp, căng thẳng, khó ngủ hoặc bị mất ngủ trắng đêm.
- Âm đạo bị ngứa và tiết dịch nhiều hơn bình thường.
- Da bị nổi mẩn, phát ban và ngứa nhẹ.
- Gặp các vấn đề về thính giác như ù tai, không nghe rõ,…
- Giảm hoặc mất cảm giác về mùi và hương vị.
Tùy vào lượng thuốc đã sử dụng và cơ địa của mỗi người mà các tác dụng phụ này có thể tự biến mất sau vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên nếu tình hình trở nên nghiêm trọng hơn bạn cần gọi ngay cho bác sĩ điều trị để được tư vấn cách xử lý phù hợp.
Những tác dụng phụ nghiêm trọng
Ngoài các tác dụng phụ phổ biến, thường gặp người bệnh có thể gặp một số triệu chứng nguy hiểm hơn như:
- Bị tiêu chảy nặng phân toàn nước hoặc có máu.
- Đầu và ngực đau thắt lại, kèm chóng mặt, tim đập nhanh, khó thở.
- Đau vùng thượng vị, buồn nôn, chán ăn, nước tiểu vàng đậm, phân màu đất sét, da hoặc mắt bị vàng nhợt.
- Bị sưng mặt hoặc lưỡi, người nóng bừng bừng kèm theo phát ban đỏ hoặc màu tím lan rộng trên cơ thể gây phồng rộp và bong tróc.
- Nếu thấy xuất hiện những triệu chứng này, ngay lập tức bạn nên gọi 115 hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu kịp thời.
Lưu ý rằng có thể trên đây chưa liệt kê hết các tác dụng phụ của Azithromycin và cũng không phải ai cũng có những biểu hiện như trên. Do đó nếu bạn có bất kỳ triệu chứng bất thường nào khi đang dùng thuốc hãy gọi cho bác sĩ để được giải đáp.
Tương tác thuốc
Một số loại thuốc không thể dùng chung với Azithromycin để tránh làm mất đi hiệu quả điều trị vốn có của cả hai.
- Thuốc kháng axit chứa Al hoặc Mg.
- Thuốc điều trị chứng đau nửa đầu: Ergotamine hoặc dihydroergotamine,…
- Thuốc ngăn ngừa máu đông: Warfarin,…
- Một số thuốc điều trị bệnh gút như: Colchicine,…
- Một số loại thuốc điều trị HIV.
- Một số loại thuốc giảm cholesterol như: Simvastatin và atorvastatin,..
- Một số loại thuốc điều trị rối loạn nhịp tim chẳng hạn như amiodarone hoặc sotalol cũng không nên dùng chung với Azithromycin.
Trên đây chưa phải là tất cả danh sách các loại thuốc tương tác với Azithromycin vì vậy hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và cho bác sĩ biết các loại thuốc bạn đang sử dụng để đảm bảo an toàn.
Thận trọng khi dùng thuốc
Nếu thuộc một trong các trường hợp dưới đây, người bệnh nên thận trọng hơn.
- Phụ nữ mang thai: Azithromycin được khuyến cáo không nên sử dụng trong thời kỳ mang thai vì chúng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn và em bé. Vì vậy hãy hỏi kỹ bác sĩ những lợi ích và những rủi ro có thể xảy ra.
- Phụ nữ đang cho con bú: Đối tượng này cũng không nên sử dụng Azithromycin vì thuốc có thể thải trừ qua sữa mẹ gây ra một số tác dụng phụ cho em bé như nổi mẩn, ngứa phát ban, tiêu chảy,…
- Bệnh nhân bị thận hoặc người cao tuổi: Đối tượng này có thể được giảm liều hoặc chỉ định sang loại thuốc khác do đó hãy trao đổi vấn đề này với bác sĩ để đảm bảo an toàn.
Lưu ý khi sử dụng Azithromycin
Ngoài những điều trên khi sử dụng Azithromycin người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau:
- Azithromycin chỉ có tác dụng khi điều trị các bệnh do vi khuẩn gây ra, không hiệu quả nếu sử dụng để điều trị các bệnh do nhiễm virus.
- Không tự ý dùng Azithromycin nếu chưa có ý kiến bác sĩ và không hiểu gì về dược lý vì điều này rất nguy hiểm cho sức khỏe của bạn.
- Thuốc chỉ có tác dụng khi bạn dùng đúng cách và đúng liều. Do đó không tự ý giảm liều, tăng liều, dừng thuốc đột ngột để tránh ảnh hưởng đến hiệu quả của Azithromycin.
- Trong trường hợp bị gặp các tác dụng phụ bạn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, tuyệt đối không tự xử lý tại nhà.
- Nhớ xem kỹ hạn sử dụng trước khi dùng thuốc để đảm bảo cơ thể không bị dị ứng, ngộ độc.
- Azithromycin chỉ nên dùng trong một thời gian ngắn, tuyệt đối không nên kéo dài thời gian sử dụng nếu không có sự cho phép của bác sĩ. Tốt nhất bạn nên dừng thuốc khi triệu chứng của bệnh không thuyên giảm sau 5 ngày dùng đều đặn hoặc khi xuất hiện các phản ứng phụ nghiêm trọng.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc kháng sinh azithromycin. Tuy nhiên thông tin chỉ mang tính chất tham khảo và không thay thế chỉ định của bác sĩ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!