Bisoprolol là thuốc gì? Công dụng, cách dùng

Bisoprolol là loại thuốc điều trị bệnh tim mạch và huyết áp cao khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên không phải ai cũng biết loại thuốc này có những tác dụng gì, cách sử dụng thế nào, có tác dụng phụ không?… Nhằm giúp người bệnh hiểu rõ và sử dụng Bisoprolol một cách hiệu quả và an toàn, bài viết dưới đây sẽ thông tin chi tiết.

Hình ảnh thuốc Bisoprolol
Hình ảnh thuốc Bisoprolol

Bisoprolol là thuốc gì?

  • Hoạt chất chính: Bisoprolol fumarat.
  • Phân nhóm thuốc: Thuốc tim mạch.

Bisoprolol thường được chỉ định để điều trị các bệnh về tim mạch như: Huyết áp, rối loạn nhịp tim, đau tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,…

Thuốc được điều chế dưới dạng viên nén, đóng gói trong vỉ PVC/ PVdC/ nhôm lá mỏng với các hàm lượng sau:

  • Bisoprolol 2,5mg: Viên thuốc màu trắng, có hình chữ nhật, đường đứt gãy ở cả 2 mặt thuốc có ký hiệu “BSL” và “2,5”. Mỗi hộp Bisoprolol 2,5mg gồm 2 vỉ, mỗi vỉ gồm 14 viên.
  • Bisoprolol 5mg: Có màu vàng nhạt, hình tròn, tại đường cắt ngang trên các bề mặt thuốc có ký hiệu “BSL” và “5”, mỗi hộp gồm 3 vỉ, mỗi vỉ có 10 viên.
  • Bisoprolol 10mg: Có màu be, hình tròn, có ký hiệu tại 2 mặt của thuốc “BSL” và “10”, thuốc được đóng gói dưới dạng 3 hoặc 6 vỉ, mỗi vỉ gồm 10 viên.

Tùy vào từng đối tượng sử dụng cũng như tình trạng bệnh lý mà các bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng khác nhau sao cho phù hợp. Tuy nhiên Bisoprolol 5mg là loại thuốc được chỉ định nhiều nhất.

Thành phần hóa học

Thành phần chính của thuốc là các hoạt chất Bisoprolol fumarate, ngoài ra còn có các hoạt chất khác như: Monohydrate lactose, vi tinh thể cellulose, magnesi stearat và crospovidone.

Tùy vào hàm lượng của viên thuốc mà tỉ lệ các thành phần này có sự khác nhau:

Bisoprolol 2,5mg

  • Thành phần chính là: 2,5mg Bisoprolol Fumarate.
  • Tá dược lõi gồm các chất: Phosphate, Sillia khan, Magie Stearat, Natri carboxymetyl cellulose mạch cầu, các Cellulose vi tinh thể và tinh bột ngô tiền Gelatin hóa.
  • Tá dược bao: Lactose Monohydrate, Hypromellose, Titan Dioxit, Macrogol 4000.

Bisoprolol 5mg

Mỗi viên nén bao gồm:

  • Bisoprolol fumarat: 5 mg.
  • Ngoài ra thuốc còn có các hoạt chất như: Calci hydrophosphat khan, microcrystalline, cellulose cellulose, tinh bột tiền hồ hóa, crospovidone, magnesi stearat, hypromellose, macrogol 400, titan dioxyd, oxyd sắt vàng, oxyd sắt đỏ.

Bisoprolol 10mg

Thành phần vừa đủ cho 1 viên nén bao gồm:

  • Bisoprolol fumarat: 10 mg.
  • Tá dược cần thiết gồm có: Calci Hydrophosphat khan, Microcrystalline Cellulose Cellulose (Comprecel M101D), Tinh bột tiền hồ hóa, Crospovidone, Colloidal Silica khan, Magnesium Stearat, Hypromellose (Pharmacoat 606), Macrogol 400, Titan Dioxyd, Oxyd sắt vàng, Oxyd sắt đỏ.

Tác dụng của Bisoprolol

Với khả năng tác động có chọn lọc lên một số xung thần kinh trung ương, nhất là ở tim. Bisoprolol giúp quá trình vận chuyển máu đến tim được dễ dàng hơn, đồng thời ngăn chặn các hóa chất tự nhiên trong cơ thể như Epinephrine đi vào tim và mạch máu, giúp giảm nhu cầu oxy cho tim. Từ đó giúp cơ tim giảm co bóp, hạ huyết áp tốt nhất.

Những tác dụng trị bệnh của Bisoprolol được nhắc đến nhiều nhất là:

  • Điều trị chứng nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, huyết áp tăng cao.
  • Ngoài ra, thuốc cũng có thể sử dụng để điều trị tình trạng suy tim từ mức độ nhẹ đến vừa phải.
  • Bên cạnh đó, Bisoprolol còn có một số tác dụng khác chưa được liệt kê trên nhãn thuốc mà được dùng thông qua sự chỉ định của bác sĩ.
Bisoprolol có tác dụng chính là điều trị các bệnh tim mạch
Bisoprolol có tác dụng chính là điều trị các bệnh tim mạch

Đối tượng chỉ định

Với cơ chế hoạt động và những tác dụng kể trên, người ta thường dùng Bisoprolol cho các trường hợp sau:

  • Những người bị huyết áp cao.
  • Người đang mắc bệnh mạch vành (đau thắt ngực).
  • Những bệnh nhân suy tim, rối loạn nhịp tim, chức năng tâm thu, tâm thất suy giảm.
  • Những đối tượng khác thuộc sự chỉ định của bác sĩ.

Chống chỉ định của Bisoprolol

Bisoprolol ngày càng được sử dụng phổ biến trong y khoa. Bởi tác dụng hiệu quả trong việc điều trị các bệnh tim mạch và huyết áp. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể sử dụng Bisoprolol . Vì nếu không biết cách dùng, dùng phải đối tượng chống chỉ định có thể khiến sức khỏe người bệnh gặp nguy hiểm.

Dưới đây là danh sách những đối tượng tuyệt đối không được sử dụng Bisoprolol.

  • Những người dị ứng với bất cứ thành phần nào của Bisoprolol.
  • Những bệnh nhân bị hội chứng suy nút xoang, Raynaud cũng không nên sử dụng loại thuốc này.
  • Những người mắc một số vấn đề về tim như: Sốc do rối loạn chứng năng tim, nhịp tim chậm, huyết áp thấp, suy tim cấp hoặc các giai đoạn suy tim khác cần dùng thuốc gây co cơ tim tuyệt đối không được dùng Bisoprolol bởi có thể khiến các triệu chứng nặng nề hơn.
  • Những bệnh nhân hen suyễn, hen phế quản nặng hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cũng không nên dùng thuốc dưới bất cứ hình thức nào bởi chúng có thể làm co thắt phế quản, khó thở hơn.
  • Ngoài ra những người bị khó khăn trong việc lưu thông máu ở tay, chân đang gặp các biểu hiện như tê bì, ngứa ran, chuyển màu cũng bị cấm sử dụng Bisoprolol.
  • Nhà sản xuất khuyến cáo những bệnh nhân trong máu chứa nhiều axit và người bị rối loạn dẫn truyền nhĩ thất nghiêm trọng không được dùng thuốc này để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Hướng dẫn cách dùng Bisoprolol hiệu quả

Việc uống Bisoprolol để điều trị bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ hoặc hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc. Người bệnh tuyệt đối không được thay đổi giờ uống, hàm lượng thuốc nhiều hơn hoặc ít hơn chỉ định. Ngoài ra, khi uống để đảm bảo thuốc phát huy được tối đa công dụng người bệnh nên thực hiện theo các nguyên tắc sau:

  • Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén, bạn nên nuốt trực tiếp cả viên thuốc với một ly nước lọc vừa đủ.
  • Không bẻ, nghiền hoặc hòa thuốc trước khi uống. Việc làm này có thể làm giảm khả năng hoạt động của thuốc.
  • Có thể dùng thuốc trước hoặc sau ăn đều được, nhưng tốt nhất là nên uống vào buổi sáng để cơ thể hấp thụ tốt nhất.
  • Sử dụng thuốc thường xuyên để có kết quả điều trị tốt nhất. Không được tự ý ngừng thuốc đột ngột khi đang điều trị rối loạn nhịp tim vì chúng có thể khiến các bệnh đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tim đập không đều nặng hơn. Trong trường hợp muốn giảm liều bạn cần gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
  • Nếu đang dùng thuốc để điều trị huyết áp cao nhớ theo dõi chỉ số huyết áp thường xuyên bằng cách đo huyết áp vào sáng sớm và chiều tối mỗi ngày.
  • Trong trường hợp bệnh tình không thuyên giảm người bệnh cần chủ động gặp bác sĩ khai báo tình hình để được hướng dẫn cách điều trị phù hợp hơn.
Nuốt trực tiếp cả viên Bisoprolol với một lượng nước lọc vừa đủ
Nuốt trực tiếp cả viên Bisoprolol với một lượng nước lọc vừa đủ

Liều dùng quy định

Liều dùng của Bisoprolol phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như độ tuổi và bệnh lý điều trị. Cụ thể:

Điều trị huyết áp cao dành cho người lớn:

  • Liều khởi đầu: Dùng 5mg/ lần/ ngày.
  • Liều duy trì: Uống từ 5-20mg/ lần/ ngày, tùy vào tình trạng của mỗi người.

Điều trị suy tim sung huyết cho người lớn:

  • Liều ban đầu: Khi mới uống người bệnh chỉ nên dùng 1,25mg/ lần.
  • Liều duy trì: Có thể tăng lên 1,25mg sau 48 giờ của liều dùng đầu tiên, sau đó tối đa dùng 5mg/ ngày (dùng khi cần thiết).

Liều dùng ngừa đau thắt ngực cho người lớn:

  • Liều ban đầu: Dùng 5mg Bisoprolol/ ngày/ lần.
  • Liều duy trì: Liều lượng có thể tăng lên 10mg/ ngày khi cần thiết và tối đa là 20mg/ngày.

Liều điều trị rối loạn nhịp tim cho người lớn:

  • Liều ban đầu: Chỉ nên dùng 5mg/ ngày cho lần đầu tiên.
  • Liều duy trì: Tùy vào tình trạng của từng người mà liều dùng có thể thay đổi cho phù hợp, có thể tăng lên 10mg/ ngày và tối đa không quá 20mg/ ngày.

Liều lượng cho những bệnh nhân suy tim mạn tính:

Liều dùng của những bệnh nhân này khi tăng liều phải thực hiện lần lượt theo các bước sau:

  • Dùng 1,25g (nửa viên loại 2,5mg)/ lần/ ngày. Duy trì trong vòng 1 tuần nếu cơ thể có sự dung nạp tốt thì có thể tăng liều.
  • Dùng 2,5mg/ lần/ ngày cho tuần kế tiếp, nếu cơ thể dung nạp tốt thì tiếp tục tăng liều.
  • Dùng 3,75 mg (một viên rưỡi loại 2,5mg)/ lần/ ngày cho tuần tiếp theo. Nếu bệnh tình cải thiện tốt thì lại tăng liều.
  • Dùng 5mg/ lần/ ngày, dùng liên tục trong 4 tuần kế tiếp, nếu thấy cơ thể vẫn dung nạp tốt thì việc tăng liều có thể được cân nhắc.
  • Dùng 7,5mg/lần/ ngày, dùng trong 4 tuần kế tiếp.
  • Nếu cơ thể vẫn dung nạp thuốc tốt thì có thể tăng lên 10mg/ lần/ ngày.

Trong quá trình điều chỉnh liều dùng có thể tình trạng suy tim sẽ nặng hơn hoặc không dung nạp được thuốc. Việc làm trước tiên là giảm liều hoặc ngừng ngay thuốc rối đến gặp bác sĩ.

Liều lượng dành cho bệnh nhân bị suy thận:

  • Đối với bệnh nhân suy thận có độ thanh thải CrCl < 40ml/ phút thì liều dùng ban đầu là 2,5/ lần/ ngày, liều duy trì là 2,5-20mg/ lần/ ngày (không vượt quá 20mg/ ngày).
  • Đối với bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối (CrCl < 20ml/ phút) thì không nên dùng quá 10mg/ ngày.

Liều dùng cho bệnh nhân bị gan:

  • Liều khởi đầu: Dùng 2,5mg/ lần/ ngày cho lần đầu tiên.
  • Liều duy trì: Liều dùng có thể tăng khi cần thiết từ 2,5-20mg/lần/ ngày tùy vào tình trạng sức khỏe và mắc độ suy gan của người bệnh.

Liều dùng với người già:

  • Đối với người già thì không cần thay đổi liều dùng, tuy nhiên trong trường hợp suy nhược cơ thể hoặc mắc kèm các bệnh lý khác các bác sĩ sẽ xem xét và điều chỉnh phù hợp.

Hướng dẫn cách bảo quản Bisoprolol

Mỗi một loại thuốc lại có cách bảo quản và xử lý khác nhau. Vì vậy người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn trên mác thuốc và thực hiện theo các nguyên tắc sau:

  • Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, không quá 30 độ là tốt nhất.
  • Để thuốc nơi khô ráo và thoáng mát, tuyệt đối không cho vào tủ lạnh hoặc gần nhà tắm ẩm ướt.
  • Để Bisoprolol xa tầm tay của trẻ nhỏ và thú nuôi trong nhà.
  • Nếu thuốc đã hết hạn hoặc bị biến dạng thì tuyệt đối không được sử dụng. Trong trường này người bệnh nên gọi điện cho công ty xử lý rác thải hoặc hỏi ý kiến chuyên gia để biết cách xử lý khoa học, không gây ô nhiễm môi trường.
Có thể bảo quản Bisoprolol trong tủ thuốc gia đình
Có thể bảo quản Bisoprolol trong tủ thuốc gia đình

Tác dụng phụ của Bisoprolol

Việc sử dụng Bisoprolol không đúng cách có thể khiến cơ thể gặp một số tác động xấu như:

  • Gặp các vấn đề về hệ thần kinh trung ương như: Chóng mặt, đau đầu, mất cảm giác, giảm sự tập trung, suy giảm trí nhớ, có cảm giác lo lắng, bồn chồn,…
  • Gặp vấn đề trên hệ thần kinh tự trị như: Khô miệng, cảm giác thiếu nước.
  • Gặp vấn đề về tim mạch như: Nhịp tim chậm, rối loạn nhịp tim, tay chân lạnh, đánh trống ngực liên hồi, huyết áp hạ đột ngột, đau ngực, khó thở,…
  • Gặp vấn đề về tâm thần như: Mơ mơ màng màng, trầm cảm, stress, mất ngủ,…
  • Gặp về đề về tiêu hóa như: Đau bụng, đau dạ dày, gặp tình trạng chướng bụng, khó tiêu, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón,…
  • Gặp vấn đề về xương khớp như: Đau nhức xương khớp, đau cổ, đau lưng,…
  • Gặp vấn đề trên da như: Mẩn ngứa, phát ban, nổi mụn, kích ứng da, đổ mồ hôi nhiều, phù mạch, viêm da,…
  • Gặp vấn đề về hô hấp như: Viêm phế quản, ho, khó thở, viêm họng, viêm mũi, viêm xoang,…
  • Gặp vấn đề về sinh dục như: Suy giảm ham muốn, xuất hiện cơn đau tại thận và niệu,…
  • Gặp vấn đề về các giác quan như: Rối loạn thị giác, chảy nước mắt, ù tai, giảm thính lực, mất vị giác,…

Trên đây chưa phải tất cả các tác dụng phụ mà người bệnh có thể gặp phải. Do đó nếu cơ thể phát sinh những biểu hiện lạ bao gồm những triệu chứng không được đề cập ở trên người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.

Tương tác thuốc

Theo các chuyên gia có tới hơn 950 loại thuốc có khả năng xảy ra tương tác với Bisoprolol. Do đó để đảm bảo an toàn bạn nên thận trọng khi sử dụng loại thuốc này nhất là khi đang dùng các loại thuốc điều trị khác.

Dưới đây là một số loại thuốc phổ biến có khả năng tương tác với Bisoprolol:

  • Albuterol
  • Amiodarone
  • Arformoterol
  • Bambuterol
  • Clenbuterol
  • Clonidine
  • Control
  • Crizotinib
  • Diltiazem
  • Dronedarone
  • Fenoldopam
  • Fenoterol
  • Fingolimod
  • Formoterol
  • Isoprenaline
  • Indacaterol
  • Isoetharine
  • Lacosamide
  • Levalbuterol
  • Metaproterenol
  • Olodaterol
  • Pirbuterol
  • Procaterol
  • Reproterol
  • Ritodrine
  • Salmeterol
  • Terbutaline
  • Tretoquinol
  • Tulobuterol
  • Verapamil
  • Vilanterol.

Danh sách trên chưa bao gồm những thuốc có khả năng tương tác với Bisoprolol. Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng đáng tiếc có thể xảy ra người bệnh nên chủ động khai báo với bác sĩ các loại thuốc đang sử dụng. Lưu ý danh sách liệt kê sẽ bao gồm cả thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng, vitamin hay các thảo dược,…

Trong trường hợp thấy xuất hiện loại thuốc tương tác bác sĩ sẽ có thể yêu cầu bạn dừng một trong hai loại thuốc hoặc chỉ định thuốc điều trị mới phù hợp

Lưu ý khi dùng thuốc Bisoprolol

Dưới đây là một số lưu ý hết sức quan trọng khi sử dụng Bisoprolol mà người bệnh cần nắm rõ.

Cần làm gì trước khi sử dụng Bisoprolol?

Trước khi quyết định dùng Bisoprolol bạn nên khai báo cho bác sĩ các vấn đề sau:

  • Nói cho bác sĩ nếu bạn từng bị dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào bao gồm cả Bisoprolol.
  • Nhớ liệt kê hết những loại thuốc bạn đang dùng hoặc dự định dùng.
  • Nếu từng có tiền sử bị hen suyễn, bệnh phổi hoặc các vấn đề về tim, gan, thận, tiểu đường, tuần hoàn máu hoặc các vấn đề về tuyến giáp bạn cũng nên khai báo cho bác sĩ nắm rõ tình hình.
  • Nếu bạn có dự định thực hiện phẫu thuật trong thời gian sắp tới, bao gồm cả phẫu thuật nha khoa cũng cần khai báo để bác sĩ cân nhắc có nên chỉ định Bisoprolol cho bạn.
  • Bisoprolol có thể khiến bạn bị buồn ngủ do đó nếu bạn phải lái xe hoặc vận hành máy móc cũng có thể bị ảnh hưởng.
Nên khai báo cho bác sĩ tình trạng sức khỏe hiện tại trước khi dùng Bisoprolol
Nên khai báo cho bác sĩ tình trạng sức khỏe hiện tại trước khi dùng Bisoprolol

Phụ nữ có thai hoặc cho con bú có dùng Bisoprolol được không?

Dù chưa có bất cứ nghiên cứu khoa học nào chỉ ra tác hại của Bisoprolol đối với phụ nữ có thai và cho con bú. Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc kỹ lợi ích và những nguy cơ có thể gặp phải khi quyết định sử dụng loại thuốc này. Tốt nhất là không nên sử dụng để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

Trong trường hợp việc điều trị với Bisoprolol là thực sự cần thiết người bệnh cần tiến hành theo dõi lượng máu ở tử cung và sự phát triển của nhau thai. Có thể các bác sĩ sẽ giảm liều để đảm bảo an toàn cho thai nhi. Trường hợp không may xảy ra tác hại cho mẹ hoặc bé, cần xem xét và thay đổi phương pháp điều trị sớm.

Ngoài ra nếu trong thời kỳ mang bầu mẹ có sử dụng Bisoprolol thì trẻ sơ sinh cần tiến hành theo dõi kỹ sau sinh. Chúng có thể gặp các triệu chứng như: Giảm đường huyết, chậm nhịp tim trong vòng 3 ngày đầu sinh.  Do đó nhà sản xuất khuyến cáo nên hạn chế tối đa việc sử dụng loại thuốc này cho những những đối tượng trên.

Xử lý quá liều

Việc dùng quá liều Bisoprolol có thể gây ra block nhĩ thất độ 3, nhịp tim chậm, chóng mặt, co thắt phế quản, hạ đường huyết,… Đây là những dấu hiệu phổ biến khi dùng Bisoprolol vượt liều chỉ định được báo cáo cho đến nay.

Do đó nếu trường không may dùng quá liều người bệnh nên ngừng thuốc và gọi 115 hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Dựa trên những tác động dược lý mà thuốc mang đến cho cơ thể mà các bác sĩ có thể tiến hành các phương pháp xử lý khác nhau như:

  • Hạ nhịp tim: Bằng cách tiêm tĩnh mạch Atropin. Trong trường hợp cơ thể không có đáp ứng thì có thể dùng Isoprenalin hoặc những dẫn xuất có tác dụng làm tăng nhịp tim khác thậm chí có nhiều trường hợp phải dùng đến máy tạo nhịp tim.
  • Hạ huyết áp: Có thể sơ cứu bằng cách truyền dịch hoặc thuốc co mạch.
  • Block nhĩ thất: Nếu xảy ra tình trạng này thì bệnh nhân cần được theo dõi đặc biệt và điều trị bằng cách truyền Isoprenalin hoặc tạo nhịp tạm thời.
  • Suy tim cấp tính: Trường hợp này thường được sơ cứu bằng cách tiêm thuốc lợi tiểu, co cơ, giãn mạch.
  • Co thắt phế quản: Phải dùng đến thuốc chống co thắt phế quản, thuốc cường giao cảm để khắc phục.
  • Ngoài ra còn một số trường hợp và cách sơ cứu khác có thể tiến hành khi sử dụng quá liều Bisoprolol. Vì vậy, nếu có bất kỳ thắc mắc nào người bệnh nên gọi điện và hỏi trực tiếp bác sĩ điều trị riêng.

Xử lý khi quên liều

Cũng giống như cách xử lý khi quên liều các loại thuốc khác, bạn nên uống lại Bisoprolol càng sớm càng tốt. Trong trường hợp thời gian quên đã lâu, người bệnh có thể bỏ qua và dùng liều kế tiếp theo đúng kế hoạch.

Nên dừng thuốc khi nào?

Thời gian sử dụng và ngưng Bisoprolol phụ thuộc vào yêu cầu của bác sĩ. Tuy nhiên trong những trường hợp bất khả kháng dưới đây, bạn nên chủ động dừng.

  • Cơ thể xuất hiện tác dụng phụ nguy hiểm.
  • Cơ thể gặp các triệu chứng dị ứng nghiêm trọng.
  • Sau 7 ngày dùng thuốc mà huyết áp không giảm thậm chí có xu hướng tăng cao.

Ngoài những vấn đề trên khi sử dụng loại thuốc này, người bệnh cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Dùng thuốc theo đúng liều lượng và chỉ định của bác sĩ, không tự ý tăng hoặc giảm liều nếu chưa có sự đồng ý của chuyên gia.
  • Khi muốn tăng hoặc giảm liều người bệnh phải thực hiện dần dần từ 1-2 tuần. Không đột ngột tăng hoặc giảm liều vì có thể gây đau thắt ngực nặng.
  • Khi sử dụng thuốc bạn nên kết hợp chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Nên hạn chế rượu, bia, thuốc lá khi đang điều trị bệnh.
  • Người bệnh không nên dùng bưởi khi đang dùng Bisoprolol. Vì nước bưởi có thể gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa thuốc trong cơ thể, làm giảm hiệu quả điều trị bệnh.
Bưởi có thể làm giảm hiệu quả điều trị bệnh của Bisoprolol
Bưởi có thể làm giảm hiệu quả điều trị bệnh của Bisoprolol

Bisoprolol là loại thuốc điều trị các bệnh tim mạch, huyết áp cao khá hiệu quả. Tuy nhiên việc sử dụng loại thuốc này đòi hỏi người bệnh cần thực hiện theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn. Hy vọng với những thông tin trên, sẽ giúp người bệnh hiểu và sử dụng sản phẩm này một cách an toàn và hiệu quả.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *