Cephalexin là thuốc gì? Công dụng, cách sử dụng, liều dùng và những lưu ý quan trọng
Thuốc kháng sinh Cephalexin thuộc nhóm Cephalosporin (thuốc thế hệ 1). Loại thuốc này được dùng để điều trị các bệnh do nguyên nhân là vi khuẩn gây ra. Vậy cụ thể, thuốc Cephalexin được dùng trong những trường hợp, cách sử dụng ra sao, có gây ra tác dụng phụ nào không và cần lưu ý gì khi dùng?
Cephalexin là thuốc gì?
Cephalexin còn có tên gọi khác là cefalexin. Đây là loại thuốc kháng sinh có chứa cephalosporin. Chất này hoạt động bằng cách can thiệp quá trình hình thành vỏ của tế bào của vi khuẩn. Từ đó làm cho lớp vỏ bị phá vỡ và loại bỏ vi khuẩn.
Thuốc Cephalexin thường được sử dụng để điều trị tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn. Cụ thể, đó các bệnh nhiễm trùng liên quan đến đường hô hấp trên, nhiễm trùng tai, nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm trùng da, hay cả nhiễm trùng xương.
Ngoài ra, loại thuốc này cũng có thể được dùng trong các trường hợp không được liệt kê trong hướng dẫn sử dụng, tùy theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Dạng thuốc và hàm lượng:
Thuốc Cephalexin có các dạng và hàm lượng như sau:
- Dạng viên nang với hàm lượng 250 mg, 500 mg.
- Viên nén 1g.
- Dạng nhũ dịch 125 mg, 250 mg/5 ml – đây là hàm lượng sau khi pha thêm nước cho chế phẩm.
- Dạn siro 250 mg, 500 mg/5 ml (hàm lượng sau khi pha thêm nước cho chế phẩm).
- Thuốc Cephalexin dạng giọt được dùng cho trẻ em với hàm lượng 125mg/1,25ml.
Tác dụng của cephalexin
Thuốc Cephalexin có phổ tác dụng trung bình, có khả năng tác dụng lên các vi khuẩn gram dương như: Liên cầu, tụ cầu, phế cầu (trừ loại liên cầu kháng methicillin). Bên cạnh đó, loại thuốc này cũng có tác dụng trên một số vi khuẩn gram âm như Proteus mirabilis, E.coli, Klebsiella pneumoniae và Shigella.
Chỉ định dùng Cephalexin
Thuốc kháng sinh Cephalexin có tác dụng điều trị những bệnh sau:
- Nhiễm khuẩn vùng tai mũi họng: Với các bệnh cụ thể như viêm tai giữa, viêm amidan, viêm xương chũm, viêm xoang và viêm họng.
- Nhiễm khuẩn về đường hô hấp: Đó là các bệnh như giãn phế quản, tình trạng viêm phế quản cấp và mãn tính.
- Chỉ định điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn do cả vi khuẩn gram âm và gram dương nhạy cảm.
- Sử dụng để dự phòng tình trạng nhiễm khuẩn đường niệu tái phát.
- Điều trị bệnh nhiễm trùng đường tiểu như: Viêm bàng quang, viêm tuyến tiền liệt, viêm bể thận cấp và mãn tính.
- Tình trạng nhiễm khuẩn về sản và phụ khoa.
- Điều trị nhiễm khuẩn da, ở các mô mềm hoặc xương.
- Dùng để điều trị bệnh lậu và giang mai (trong trường hợp sử dụng penicillin không phù hợp).
- Ngoài ra, Cephalexin cũng được dùng trong nha khoa để tạm thời điều trị hoặc phòng ngừa cho những trường hợp mắc bệnh tim và phải điều trị bệnh ổ răng.
Chống chỉ định
Bên cạnh đó, Cephalexin được chống chỉ định với các trường hợp sau:
- Người bị dị ứng penicillin nặng.
- Người bệnh bị suy thận.
- Những người có tiền sử bị bệnh viêm đại tràng hoặc gặp một số các vấn đề liên quan đến đường ruột.
- Người mẫn cảm với các loại kháng sinh nhóm cephalosporin cũng không nên dùng thuốc.
- Trường hợp bệnh nhân suy dinh dưỡng cũng không nên sử dụng.
Ngoài ra, việc sử dụng thuốc Cephalexin cũng có thể làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị một số bệnh lý khác trong cơ thể. Vì vậy, đừng quên thông báo với bác sĩ về tiền sử bệnh lý, tình trạng sức khỏe để được cân nhắc việc sử dụng thuốc cho phù hợp.
Cách sử dụng thuốc Cephalexin
Người bệnh nên sử dụng theo hướng dẫn được ghi trên bao bì hoặc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Không nên sử dụng với liều lượng lớn hơn, hoặc dùng thuốc trong thời gian dài hơn chỉ định. Dưới đây là một số lưu ý giúp việc sử dụng thuốc của bạn đạt hiệu quả tốt:
- Sử dụng thuốc cùng với một ly nước đầy.
- Nếu dùng thuốc bằng cách hòa tan viên thuốc, bạn hãy phân tán Cephalexin trong một lượng nước nhỏ (khoảng 2 thìa). Sau đó khuấy đều hỗn hợp cho tan và uống hết ngay lập tức. Để có thể hấp thu được toàn bộ liều, không để thuốc còn sót lại cốc, bạn hãy thêm vào một chút nước, lắc nhẹ nhàng và uống ngay.
- Với thuốc dạng chất lỏng, hãy lắc Cephalexin trước khi uống. Để có được liều lượng một cách chính xác, bạn hãy dùng thìa đo chuyên dụng, hoặc ly thuốc chia vạch. Nếu không có thiết bị đo liều, hãy tham khảo tư vấn từ dược sĩ để có được liều lượng phù hợp.
- Thuốc được chia thành những liều nhỏ và mỗi lần uống cần cách nhau khoảng 6 giờ. Nên uống trước bữa ăn 1 giờ để thuốc phát huy tác dụng tốt nhất
- Cephalexin không được dùng để điều trị tình trạng nhiễm virus như cảm cúm hoặc cảm lạnh thông thường.
Liều dùng cho từng đối tượng
Với từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ có chỉ định liều dùng phù hợp, tùy theo mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm khuẩn của bệnh. Người bệnh nên nhớ không tự ý điều chỉnh liều lượng bằng cách tăng hoặc giảm khi chưa có sự cho phép của bác sĩ. Thông thường, liều dùng Cephalexin đối với người lớn và trẻ em được quy định như sau:
Đối với người lớn
Thông thường, với từng bệnh lý cụ thể, việc sử dụng thuốc sẽ được chỉ định với liều lượng như sau:
Điều trị viêm bàng quang:
- Dùng khoảng 250mg cho 1 lần và mỗi lần cách nhau 6 giờ.
- Hoặc có thể dùng tăng liều 500mg cho 1 lần theo chỉ định, mỗi liều cách nhau 12 giờ.
- Thời gian sử dụng thuốc là từ 7 đến 14 ngày.
Điều trị viêm tai giữa:
- Sử dụng Cephalexin liều 500mg cho 1 lần và mỗi liều phải cách nhau khoảng giờ.
- Thời gian điều trị liên tục từ 10 – 14 ngày.
Điều trị viêm họng:
- Cách 1: Dùng 250mg cho mỗi lần và cách nhau 6 giờ.
- Cách 2: Có thể 500mg/lần theo chỉ định, mỗi liều cách nhau 12 giờ.
Điều trị nhiễm trùng da:
- Sử dụng Cephalexin 250mg cho một lần và mỗi lần cách nhau 6 giờ.
- Hoặc sử dụng mỗi liều 500mg, cách nhau 12 giờ.
Viêm tủy xương:
- Dùng Cephalexin 500mg cho mỗi lần uống và cách nhau 6 giờ.
- Thời gian điều trị từ 4 – 6 tuần, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng cũng như tính chất của nhiễm trùng.
- Với tình trạng bị viêm xương tủy mãn tính, thời gian điều trị cần lâu hơn, từ 1 – 2 tháng. Bên cạnh sử dụng thuốc kháng sinh Cephalexin, người bệnh có thể được can thiệp điều trị ngoại khoa.
Điều trị viêm tuyến tiền liệt:
- Mỗi lần dùng 500mg, các liều cách nhau 6 giờ.
- Điều trị trong 14 ngày.
Điều trị viêm đường tiết niệu:
- Mỗi lần dùng 500mg, các liều cách nhau 6 giờ.
- Thời gian điều trị cần kéo dài trong 14 ngày.
Nhiễm trùng đường hô hấp:
- Mỗi lần dùng 500mg thuốc Cephalexin, các liều cách nhau 6 giờ.
- Sử dụng thuốc trong thời gian 7 – 10 ngày.
Nhiễm trùng do vi khuẩn:
- Có thể dùng từ 250 – 500mg cho mỗi lần uống, các liều cần cách nhau khoảng 6 tiếng.
- Thời gian điều trị từ 7 – 21 ngày, tùy thuộc vào từng tình trạng bệnh.
Đối với trẻ em
Liều dùng đối với trẻ em sẽ ít hơn, thường bằng ½ so với người lớn. Cụ thể như sau:
Điều trị viêm tai giữa:
- Liều dùng có thể từ 12,5 đến 25mg/kg trong một ngày. Chia lượng thuốc này thành các liều bằng nhau.
- Mỗi liều uống cần cách nhau 6 tiếng.
Bệnh viêm họng do nguyên nhân là liên cầu khuẩn:
- Liều dùng có thể từ 12,5 đến 25mg/kg trong một ngày. Chia lượng thuốc Cephalexin thành các liều bằng nhau.
- Thời gian uống mỗi liều cần cách nhau 12 giờ đồng hồ.
- Thuốc không được dùng cho trẻ dưới 1 tuổi.
Điều trị nhiễm trùng da:
- Liều dùng có thể từ 12,5 đến 25mg/kg trong một ngày. Chia lượng thuốc này thành các liều bằng nhau.
- Các liều dùng cần phải cách nhau 12 tiếng.
Tuy nhiên, liều dùng này có thể được thay đổi bởi bác sĩ chuyên khoa để phù hợp với cơ địa và tình trạng bệnh của mỗi người. Vì vậy, liều lượng nêu trên chỉ có tính chất tham khảo, người bệnh nên gặp trực tiếp bác sĩ để được chỉ định liều lượng thích hợp nhất.
Tác dụng phụ của Cephalexin
Bên cạnh khả năng chống lại các vi khuẩn gây bệnh thì thuốc Cefalexin cũng có thể gây ra một số bất lợi cho người dùng. Vì vậy, bạn cần biết để có thể phòng tránh những tác dụng phụ do thuốc gây ra.
Cephalexin có thể gây ra các tác dụng không mong muốn như:
- Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và gây ra một số tình trạng như: Tiêu chảy, chứng khó tiêu, cảm giác buồn nôn, hoặc nôn, chán ăn.
- Có thể gặp phản ứng dị ứng ngoài da như: Phát ban, mề đay, ngứa.
- Cũng có thể xảy ra phản ứng phản vệ như: Hồng ban đa dạng, rối loạn enzym gan, hoại tử biểu bì do nhiễm độc, viêm gan và có thể bị vàng da ứ mật nhất thời.
- Một số phản ứng kiểu bệnh huyết thanh như sốt, đau khớp.
- Ở trẻ nhỏ có thể xảy ra ù tai, chóng mặt và thay đổi hành vi tập tính nhất thời.
- Tăng bạch cầu ái toan và rối loạn máu, kích động, rối loạn giấc ngủ, ảo giác,…
- Ảnh hưởng đến hệ sinh dục – tiết niệu: Có thể gặp một số tình trạng như ngứa âm hộ, viêm âm đạo hay bệnh Candida sinh dục.
Tương tác thuốc
Khi sử dụng Cephalexin, sẽ có một số loại thuốc có thể gây tương tác, bao gồm:
- Ibuprofen
- Cymbalta
- Omega 3 (viên uống hỗ trợ)
- Aspirin
- Clindamycin
- Lasix
- Lyrica
- Singulair
- Methadone
- Naproxen
- Vitamin C, D, D3, B12,…
- Acetaminophen và một số thuốc biệt dược khác có chứa hoạt chất này.
Để tránh xảy ra tình trạng tương tác thuốc, bạn hãy ghi lại danh sách những loại thuốc mình đang dùng và báo với bác sĩ để có những điều chỉnh phù hợp.
Cách xử lý khi dùng Cephalexin thiếu hoặc quá liều
Trong quá trình sử dụng, không ít người xảy ra tình trạng uống thiếu liều hoặc quá liều. Vậy khi gặp trường hợp này, bạn nên làm thế nào?
- Quên uống một liều: Bạn hãy uống ngay liều đó khi nhớ ra. Nếu thời gian đã sắp đến liều tiếp theo, bạn nên bỏ qua liều đó và dùng liều sau theo đúng kế hoạch.
- Dùng thiếu liều: Sử dụng thiếu một liều Cephalexin có thể làm giảm tác dụng của thuốc hoặc mất tác dụng hoàn toàn.
- Dùng quá liều: Điều này có thể gây nguy hiểm cho người dùng. Vì vậy, tốt nhất bạn nên gọi điện tư vấn từ bác sĩ hoặc trung tâm cấp cứu khi thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường.
Cách bảo quản thuốc Cephalexin
Thuốc Cephalexin cần được bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng và tránh ẩm. Tuy nhiên, mỗi dạng thuốc như dụng dịch hoặc viên nén có thể sẽ có cách bảo quản khác nhau. Vì vậy, hãy đọc kỹ hướng dẫn bảo quản tham khảo tư vấn từ dược sĩ, bác sĩ để có được lời khuyên hữu ích. Đồng thời nên nhớ để thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.
Khi thuốc đã hết hạn sử dụng hoặc không dùng nữa, bạn tránh vứt thuốc vào các vị trí như: Bồn rửa mặt, toilet hoặc đường ống dẫn nước. Để có được cách xử lý an toàn, bạn có thể tham khảo ý kiến của dược sĩ, bác sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương.
Những lưu ý khi sử dụng thuốc Cephalexin
Ngoài những lưu ý về tác dụng phụ, tương tác thuốc và cách sử dụng,… để có được hiệu quả tốt nhất, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe, bạn cũng cần đảm bảo một số yêu cầu sau:
- Cũng giống như những loại kháng sinh khác, thuốc Cephalexin được đào thải qua thận là chủ yếu. Do vậy, trong quá trình sử dụng, bạn cần điều chỉnh liều lượng phù hợp, nhất là với những người có chức năng thận bị suy giảm.
- Không nên thực hiện xét nghiệm creatinin hoặc glucose niệu với dung dịch Benedict nếu bạn đang trong thời gian sử dụng thuốc Cephalexin. Bởi các ảnh hưởng của Cephalexin có thể cho kết quả không chính xác. Trong trường hợp bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm này, bạn hãy báo với bác sĩ chuyên khoa về tình trạng sức khỏe của mình.
- Không nên dùng thuốc Cephalexin cho phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con bằng sữa mẹ.
- Đối với thuốc Cephalexin ở dạng viên nang hoặc viên nén nên được bảo quản ở nhiệt độ phòng và trong bao bì kín. Còn đối với Cephalexin ở dạng dung dịch thì bạn nên bảo quản thuốc trong ngăn mát tủ lạnh.
Trên đây là những thông tin quan trọng nhất về thuốc kháng sinh Cephalexin. Trước khi sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào, bạn hãy luôn tìm hiểu kỹ các thông tin để có được những lưu ý và cách dùng hiệu quả nhất. Tuy nhiên, các nội dung đưa ra bài viết chỉ có tính tham khảo. Khi sử dụng, người bệnh cần tuân theo chỉ định và những hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa.
E có bầu 6th do bị bỏng xe. Máy ở chân giờ chân sưng
E đi mua thuốc bs kê cho thuốc cephale xin vĩ 10v uống 2ngày rưỡi sáng 2v tối 2v vậy thuôc đó có ảnh hưởng gì đến thai nhi không ạ